Đặc điểm của bệnh bạch hầu
Nguồn lây nhiễm bệnh bạch hầu chủ yếu là người bệnh ở thể điển hình hoặc thể ẩn. Bệnh nhân thường bài tiết ra vi khuẩn từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến khi khỏi bệnh về mặt lâm sàng. Thực tế người vừa khỏi bệnh có thể còn mang vi khuẩn từ 2 tuần đến 2 tháng, có trường hợp kéo dài tới 16 tháng. Người lành có khả năng mang vi khuẩn từ vài ngày đến vài tuần và có thể lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp. Phương thức lây nhiễm trực tiếp khá phổ biến khi bệnh nhân nói hoặc hắt hơi truyền các giọt bắn li ti mang vi khuẩn đến người lành qua đường hô hấp. Phương thức lây nhiễm gián tiếp thường thông qua đồ dùng, thức ăn và thức uống mang vi khuẩn của người bệnh. Ở nhiều nơi trên thế giới, trực khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể ảnh hưởng cho tất cả mọi đối tượng không phân biệt nhóm tuổi và giới tính; tuy nhiên bệnh thường tấn công trẻ em từ 1-7 tuổi khi cơ thể chưa có khả năng miễn dịch. Vi khuẩn gây bệnh không ưa ánh sáng và nhiệt độ, vì vậy mùa đông là thời kỳ thích hợp nhất để vi khuẩn tấn công gây nhiễm với sự giảm sút kháng độc tố trong máu người.
Các thể lâm sàng
Bệnh bạch hầu có nhiều thể lâm sàng khác nhau, phổ biến nhất là bạch hầu họng với tỉ lệ 70%; bạch hầu thanh quản với tỉ lệ 20-30%; bạch hầu mũi với tỉ lệ 4%; bạch hầu mắt với tỷ lệ 3-8% và bạch hầu da ít gặp hơn.
Bạch hầu họng: gồm thể thông thường và thể ác tính, ngoài ra còn có thể ác tính thứ phát.
Bạch hầu họng thể thông thường có thời kỳ ủ bệnh từ 2-5 ngày và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Sau đó bệnh khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ 37,5-38oC; trẻ bị mệt nhọc, khó chịu, quấy khóc, da xanh, sổ mũi một bên hoặc cả hai bên. Khám thấy họng hơi đỏ, có điểm trắng mờ nhạt ở một bên tuyến hạnh nhân. Phát hiện thấy màng giả dễ bong nhưng mọc lại ngay, dính chặt vào lớp mô ở dưới. Sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau. Lúc này phải ngoáy họng lấy bệnh phẩm để nuôi cấy tìm vi khuẩn. Theo dõi sau vài giờ cần xem xét lại, nếu màng giả có xu hướng lan rộng thì phải điều trị ngay không chờ kết quả xét nghiệm. Thời kỳ bệnh toàn phát xảy ra từ 2-3 ngày, ở họng màng giả lan tràn ở một bên hoặc cả hai bên tuyến hạnh nhân; trong trường hợp nặng hơn, màng giả lan tỏa trùm lưỡi gà và màn hầu. Màng giả thường có màu trắng ngà, dính chặt vào mô ở dưới gây chảy máu khi bóc tách; sau khi bóc tách vài giờ màng lại mọc lại rất nhanh; đặc điểm là niêm mạc quanh màng giả vẫn bình thường. Khám thấy có hạch cứng ở cổ, sờ di động, không đau; sổ mũi nước màu trắng. Bệnh nhân sốt khoảng 38-38,5oC, nuốt đau, da xanh xao, người mệt mỏi; mạch nhanh, huyết áp hơi hạ; trong nước tiểu có albumin. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh có tiến triển tốt; từ 24-48 giờ màng giả rụng hết, bệnh nhân vẫn còn triệu chứng da xanh tái và mệt nhẹ. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị muộn; màng giả lan rộng xuống thanh quản hoặc chuyển biến nặng, bị triệu chứng nhiễm độc rõ như da xanh tái, mệt lả người, viêm cơ tim; từ ngày 10-15 xuất hiện dấu hiệu liệt hoặc chuyển sang thể bạch hầu ác tính thứ phát.
Màng giả ở họng là dấu hiệu đặc thù của bệnh bạch hầu
Bạch hầu họng thể ác tính gồm thể tiên phát và thể thứ phát. Bạch hầu ác tính tiên phát xuất hiện vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai của bệnh. Bạch hầu ác tính thứ phát xuất hiện từ ngày 10-15 của bệnh hoặc có thể chậm hơn vào ngày 40-50. Bạch hầu ác tính tiên phát thường bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt cao, mệt lả người, da xanh tái, nôn, nuốt đau họng; có khi bệnh bắt đầu âm ỉ giống bạch hầu họng thể thông thường. Sau vài giờ hoặc 1-2 ngày, màng giả họng lan rộng ra hai bên tuyến hạnh nhân, màn hầu, cột trước của họng; màng giả dày, có màu xám, niêm mạc chung quanh phù nề, sung huyết, đôi khi có chấm xuất huyết. Hạch cổ sưng to, dính với nhau thành một khối, không di động, cổ bị bạnh ra. Bệnh nhân sổ mũi, nước mũi đặc có lẫn máu; lỗ mũi bị loét và có giả mạc. Dấu hiệu nhiễm độc toàn thân có biểu hiện rõ rệt với triệu chứng da xanh tái, môi tím, mắt thâm quầng, mệt lả người, nuốt đau, khi uống nước bị sộc ra đường mũi, nói giọng mũi, thở ra có mùi hôi; sốt với nhiệt độ 38-40oC, huyết áp hạ, mạch nhanh, tiếng tim mở, nhịp tim nhanh, có loạn nhịp, có nhịp ngựa phi; gan sưng to, đi tiểu ít, trong nước tiểu có albumin; urê máu thường tăng, có xuất huyết ngoài da hoặc nội tạng. Bạch hầu ác tính nặng có khả năng chữa khỏi khi được điều trị sớm và tích cực bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Bệnh có thể tiến triển xấu dưới các hình thái như: Thể tối cấp gây tử vong sau 24-36 giờ với các triệu chứng khó thở, tiêu chảy, xuất huyết, trụy mạch. Thể tiến triển nhanh gây tử vong sau 5-6 ngày do ngạt thở hoặc xuất huyết, sự ngạt thở do màng giả lan rộng xuống cả các nhánh khí quản và phế quản, khi mở khí quản ít có tác dụng. Thể tiến triển bán cấp với hội chứng ác tính sớm, bệnh lúc đầu thuyên giảm, da xanh tái, tim đập nhanh; đến ngày thứ 5-6 của bệnh xuất hiện liệt màn hầu; ngày thứ 10-15 xuất hiện triệu chứng xuất huyết, nôn nhiều, viêm cơ tim; bệnh nhân bị tử vong đột ngột do trụy mạch không hồi phục. Bạch hầu ác tính thứ phát thường xuất hiện sau bệnh bạch hầu họng thể thông thường nếu điều trị muộn hoặc xuất hiện sau bạch hầu ác tính tiên phát.
Bạch hầu thanh quản: xảy ra sau bạch hầu họng, màng giả lan xuống thanh quản gây ra bạch hầu thanh quản. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi với 3 giai đoạn: Giai đoạn khàn giọng, mất tiếng có triệu chứng sốt nhẹ 38oC, mệt mỏi, giọng khàn và ho tiếng ông ổng đến ho khan và giọng khàn hơn; sau đó mất giọng, nói không ra tiếng và kéo dài khoảng 1-2 ngày. Giai đoạn khó thở khi màng giả lan xuống làm hẹp thanh quản kết hợp với phù niêm mạc và co thắt các cơ ở họng dẫn đến khó thở từng cơn co rút dưới xương ức hoặc khó thở liên tục; đây là tình trạng khó thở chậm, khó thở kỳ hít vào, có tiếng rít, có co kéo trên và dưới xương ức, trên xương đòn và khoảng gian sườn; trẻ bị vật vã, giãy dụa, nếu được mở khí quản ngay thì hết khó thở nhưng nếu không mở khí quản thì vài giờ sau sẽ chuyển sang giai đoạn ngạt thở. Giai đoạn ngạt thở có biểu hiện trẻ bị xỉu dần, nằm yên, thở nhanh và cạn; môi và da tím tái, mạch nhanh nhỏ, mở khí quản ít có hiệu quả và trẻ thường bị tử vong trong tình trạng ngạt thở. Tất cả các giai đoạn đều diễn biến kéo dài từ 5-7 ngày.
Bạch hầu mũi: thường đi kèm với bạch hầu họng, trường hợp có biểu hiện bệnh riêng lẻ thì thấy màng giả ở mũi với tỉ lệ khoảng 1,5% và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh diễn biến âm ỉ, sốt nhẹ, da xanh tái, gầy còm, ăn hay bị nôn. Trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, nước mũi trắng đôi khi lẫn máu; bệnh nhân tử vong do suy mòn cơ thể hoặc bị biến chứng phổi.
Bạch hầu mắt: thường là bệnh thứ phát sau bạch hầu họng hoặc bạch hầu mũi và đường lan truyền qua ống lệ. Triệu chứng ghi nhận là viêm màng tiếp hợp có màng giả, đầu tiên viêm một bên màng tiếp hợp, sau đó lan sang bên kia. Dấu hiệu đáng lưu ý là phù ở mi mắt trên, ấn vào mi không đau; nếu lật mi mắt lên sẽ thấy màng giả dính chặt vào niêm mạc. Thực tế có một thể bạch hầu mắt không điển hình là viêm kết mạc đỏ; biến chứng ghi nhận là viêm giác mạc, loét giác mạc và để lại di chứng sẹo giác mạc.
Bạch hầu da: đây là thể bệnh ít gặp, sau khi có tổn thương loét trợt ở ngoài da như chốc lở, chàm, xây xát... Biểu hiện bệnh lý ghi nhận thấy có màng giả hơi xám dính chặt vào niêm mạc, gây chảy máu khi bóc tách. Ngoài ra còn có bạch hầu ống tai ngoài, hậu môn, sinh dục là các hình thái của bạch hầu da và niêm mạc; chúng thường có tổn thương loét và có màng giả.
Phòng bệnh phát tán
Khi phát hiện người mắc bệnh bạch hầu, do bệnh dễ lây truyền nên bắt buộc phải khai báo theo quy định của ngành y tế. Đối với bệnh nhân, cần cách ly tại bệnh viện để điều trị, chỉ cho xuất viện về nhà khi khỏi bệnh về mặt lâm sàng và sau 2 lần ngoáy họng lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vi khuẩn có kết quả âm tính, mỗi lần xét nghiệm cách nhau từ 2-7 ngày. Trước khi trở lại sinh hoạt bình thường với cộng đồng, người bệnh phải được lấy bệnh phẩm ở họng nuôi cấy thêm một lần nữa để tìm vi khuẩn và xác định bảo đảm không còn mầm bệnh với kết quả cấy vi khuẩn âm tính.
Đối với những trường hợp người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng cần cấy tìm vi khuẩn bạch hầu và thử phản ứng Schick để giúp xác định kháng độc tố trong huyết thanh người. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả âm tính và thử phản ứng với kết quả dương tính thì cho tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả dương tính và thử phản ứng với kết quả dương tính thì cho tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, sau đó tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu và điều trị bằng kháng sinh phù hợp trong một tuần. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả dương tính nhưng thử phản ứng với kết quả âm tính thì dùng kháng sinh phù hợp trong vòng một tuần. Lưu ý nhà cửa của người bệnh cần phải được tiến hành khử trùng, tẩy uế phòng ở và các dụng cụ, đồ dùng, quần áo của bệnh nhân...
Thực tế việc tiêm vắcxin bạch hầu là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả để bảo vệ cộng đồng. Có thể sử dụng loại vắcxin đơn thuần hoặc vắcxin phối hợp với một số bệnh khác như: vắcxin “3 trong 1” để phòng 3 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà; vắcxin “5 trong 1” để phòng 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - viêm não do vi khuẩn Hib hoặc 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm não do vi khuẩn Hib; vắcxin “6 trong 1” để phòng 6 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - bại liệt - viêm não do vi khuẩn Hib
Trần Hằng (Theo Suckhoedoisong)