1. Nguyên nhân
Bệnh gây ra do thời tiết lạnh ẩm kéo dài, làm cho mạng mao mạch ngoại vi ở chân các loài súc vật móng guốc chẵn co lại, gây tắc nghẽn mạch máu. Khi mạch máu tắc nghẽn kéo dài trong điều kiện nhiệt độ dưới 100C thì huyết tương từ mao mạch xuất tiết ra ngoài, tạo ra các đám sưng thũng ở dưới da chân súc vật, ngày càng căng da khiến cho con vật đau đớn, đi lại khó khắn hoặc không đi lại được, nằm một chỗ. Khi trời mưa, chuồng trại ẩm ướt, trâu bò phải đứng trong nền chuồng lạnh và lầy lội thì bệnh cước chân sẽ tăng lên nhanh, có thể tới 25-30% đàn trâu bò.
2. Triệu chứng lâm sàng
Đầu tiên, súc vật rét run, chân bị lạnh cứng, đi lại chậm chạp, khập khiễng. Sau đó bốn chân sưng thũng, căng lên do huyết tương tích tụ, ấn ngón tay vào khi bỏ ra có vết lõm. Súc vật bệnh đau đớn, khi đã nằm xuống, đứng dậy rất khó khăn, dần dần không đi lại được, nhưng vẫn ăn uống bình thường.
3. Phòng bệnh
Cước chân ở trâu, bò không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng nhưng bệnh này có thể xảy ra hàng loạt và ảnh hưởng đến sức cày kéo, đi lại của trâu, bò. Để phòng bệnh cước chân ở trâu, bò, bà con chăn nuôi cần phải thực hiện tốt các biện pháp sau:
Chuồng trại: Gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, cao ráo, sạch sẽ, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng.
Dự trữ chất đốt: Củi tráu, mùn cưa…để sưởi ấm cho trâu, bò (lưu ý cần có ống khói ra ngoài để tránh ngạt).
Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng:
+ Trồng cỏ, ngô dày, dây khoai lang trên diện tích đất không sử dụng trông cây vụ đông, đất hoang để làm thức ăn.
+ Bổ sung thêm tinh bột (cám gạo, ngô, khoai, sắn) với lượng 0,5g/kg thể trọng, cho uống thêm muối ăn với lượng 5g/100kg thể trọng hòa với nước ấm cho uống.
+ Có kế hoạch chế biến, tích trữ thức ăn cho trâu, bò khi thức ăn thô xanh khan hiếm. Một số loại thức ăn như rơm khô, cỏ khô, thức ăn ủ urê, thức ăn ủ chua (lá sắn, dây khoai lang…). Không chăn thả trâu, bò vào những ngày rét đậm, rét hại, cần mặc áo ấm cho trâu bò bằng bao tải gai hoặc vải bạt.
Tiêm phòng đầy đủ các loại văcxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trâu, bò: văcxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại môi trường chăn nuôi 1 lần/tuần.
4. Điều trị
Khi trâu, bò bị cước chân cần phải rửa sạch, lau khô chân trâu, bò. Dùng gừng hoặc riềng giã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải chườm vào chỗ sưng để tan máu tụ nhằm lưu thông mạch máu trở lại, ngày chườm 2 lần.
Nếu chỗ cước đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím 1% sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid.
Trang Hà (Theo vusta.vn)