Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Phương pháp trồng súp lơ xanh tươi ngon

Thứ Sáu, 21/12/2012
Hiện nay trên thị trường, có hai loại súp lơ là loại xanh và trắng. Về cơ bản hai loại này không khác nhau nhiều về thành phần dinh dưỡng và hương vị; tuy nhiên súp lơ xanh dai giòn hơn, là loại rau dễ tiêu thụ, nhiều chất dinh dưỡng, giá bán tương đối cao nên được nhiều nông dân chọn trồng. Trong những năm gần đây một số nhà vườn đưa cây súp lơ xanh vào trồng vụ muộn để bán vào dịp Tết cho hiệu quả kinh tế rất cao, gấp 2-3 lần so với chính vụ. Để giúp bà con trồng súp lơ xanh hiệu quả trong vụ đông, xin giới thiệu một số phương pháp kỹ thuật cơ bản để trồng súp lơ xanh tươi ngon.

Súp lơ xanh dễ trồng, so với súp lơ trắng thì chất lượng súp lơ xanh cao hơn (ăn ngọt, giòn và mềm hơn), chịu lạnh tốt hơn nên có thể trồng vụ muộn (tháng 11-12) để bán vào dịp Tết.


 

Giống và thời vụ: Thời vụ súp lơ xanh có thể kéo dài từ tháng 7, tháng 8 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Trồng súp lơ xanh tốt nhất vào tháng 10-11-12, chọn giống chịu rét, trồng khi cây có 4-5 lá thật. Tuy nhiên, để bán Tết cần chọn các giống ngắn ngày, chịu lạnh, chất lượng tốt (hoa to, hạt mịn, ăn giòn và ngọt) để trồng. Có một số giống lơ xanh lai F1 thế hế mới được gieo trồng nhiều như:
- Lucky: Thu hoạch 65-70 ngày sau trồng, ít nhánh, hoa to 600-700g, hạt mịn, ít bị rỗng ruột; chịu rét, chịu mưa, chịu sâu bệnh tốt (bệnh cháy lá và thối nhũn).
- Grandisimo: Thu hoạch 75-80 ngày sau trồng, ưa thời tiết mát và chịu lạnh trong vụ đông, trổ hoa đồng đều, không phát sinh nhánh, kháng được bệnh cháy lá, thối nhũn; bông lơ dày, hoa kép, mặt hoa mịn, ăn bùi, ngọt, trung bình 600-700g/hoa; bảo quản được lâu hơn các giống súp lơ khác.
- Căn cứ thời gian sinh trưởng và đặc tính của từng giống để bố trí thời gian gieo trồng cho phù hợp.
Chọn và làm đất: Súp lơ xanh ưa đất thị nhẹ, thoát nước tốt. Làm đất kỹ, lên luống cao 20cm, rộng 1m, rãnh rộng 30cm. Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360m2): 500-600kg + 4-6kg phân urê + 8-10kg supe lân + 4-5kg kali clorua. Bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân + 1/3 urê + 1/3 kali, trộn đều rồi bón vào hốc hoặc rạch đất sâu 15-20cm, bỏ phân lấp kín đất. Nếu thời tiết không thuận lợi thì bón phân khi cây đã hồi xanh. Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 lần: lần 1 sau trồng 15 ngày, lần 2 sau lần 1 từ 10-12 ngày, lần 3 sau trồng 45-50 ngày, khi cây bắt đầu có ngù.
Trồng cây: Trồng hàng kép nanh sấu trên luống với khoảng cách 60 x 50cm hoặc 40 x 50cm, khoảng 750-820 cây/sào. Chọn cây to, mập, lá xanh, gốc đỏ, không bị dị hình, tuổi cây khoảng 40-50 ngày, có 4-5 lá thật để trồng. Trồng xong nén đất chặt tay, tưới đẫm nước cho cây.
Mật độ trồng: Đối với giống chín muộn và giống có bộ lá lớn, khoảng cách trồng hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 60cm, mật độ trồng 2 - 2,5 vạn cây/ha.
Chăm sóc:
Thời kỳ hồi xanh: Sau khi trồng phải tưới nước giữ ẩm thường xuyên, tưới 1-2 lần/ngày tuỳ theo thời tiết. Kiểm tra đồng ruộng để kịp thời cấy dặm những cây bị chết. Sau trồng 10-15 ngày thì xới phá váng, xới sâu, xới rộng giúp đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại.
Thời kỳ hồi xanh, chải lá: Tưới bằng phương pháp tưới rãnh, trung bình 7-10 ngày tưới 1 lần. Xới nông, vun đất vào gốc. Dùng 1-2kg urê/sào, tưới 2-3 lần, cách nhau 4-5 ngày để thúc cho cây nhanh phát triển. Cũng có thể bón khô cách gốc 7-10cm, sau đó đưa nước vào rãnh, dùng gáo tưới nước hoà tan phân đạm.
Thời kỳ ra ngù hoa: Tiếp tục tưới nước, tưới thúc phân khi cây đã có ngù hoa, trước khi thu hoạch 1 tháng ngừng tưới nước; cách 7-10 ngày, tưới thúc kali khoảng 2-3 lần cho tới khi thu hoạch. Chú ý không để phân rơi trên lá và ngù hoa. Khi cây bắt đầu có nụ hoa, đường kính khoảng 3-4cm thì tiến hành che hoa bằng cách bẻ gập lá ở gần hoa, che lên nụ hoa, cũng có thể buộc túm những lá xung quanh ngù hoa.
Thu hoạch: Thu hoạch đúng lúc mới đạt chất lượng cao, không thu sớm, cũng tránh để hoa quá già giảm chất lượng. Nên thu sau khi ngù hoa xuất hiện từ 15 đến 20 ngày là tốt nhất (75-80 ngày sau trồng). Dùng dao sắc, chặt sát gốc, tỉa bỏ một vài lá chân, xếp đứng cuống hoa hoặc chụm cuống hoa vào nhau để tránh hỏng hoa. Trong quá trình chăm sóc, nếu trời rét nhiều, thời gian thu hoạch có thể kéo dài; ngược lại nếu trời ấm có thể thu sớm vài ngày khi mặt hoa đang còn màu xanh tươi và thắm.
Như vậy, với một vài lưu ý trong phương pháp trồng và chăm sóc súp lơ xanh, hy vọng bà con nông dân sẽ có những vụ thu hoạch súp lơ xanh bán vào dịp Tết như mong đợi./.

Bích Đào

Các tin khác