Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Quy định mới của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng

Thứ Sáu, 30/12/2022

Ngày 24 tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Nghị định này thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. 

Như vậy, sau 11 năm thi hành, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 42/2022/NĐ-CP với các nội hàm quản lý mới, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tác giả xin được giới thiệu một số chính sách mới của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 như sau:
Về cung cấp thông tin
 a) Trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (sau đây gọi chung là cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước) là kênh cung cấp thông tin thống nhất, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Theo đó, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một và chỉ một cổng thông tin điện tử là kênh cung cấp thông tin chính thống, tập trung của cơ quan nhà nước trong phạm vi bộ, ngành, địa phương trên môi trường mạng. Các đơn vị thuộc, trực thuộc nếu có trang thông tin điện tử thì phải là thành phần của Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tên miền truy cập cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (được quy định đến tận cấp xã) và sử dụng công nghệ địa chỉ Internet IPv6.    

Thời gian chuyển tiếp 2 năm nếu như hiện tại các trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã chưa tuân thủ theo quy định của Nghị định này.

b) Ngoài cổng thông tin điện tử, cơ quan nhà nước có thể triển khai các kênh cung cấp thông tin khác để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp như: Cổng dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; Mạng xã hội; Ứng dụng trên thiết bị di động; Tổng đài điện thoại; Thư điện tử (Email).

Các kênh cung cấp thông tin cho người dân phải đáp ứng các yêu cầu về sự thuận tiện, an toàn thông tin mạng và cho phép người dân đánh giá mức độ hài lòng về thông tin được cung cấp… Các kênh này phải được kết nối, tích hợp để bảo đảm cung cấp thông tin đồng bộ với thông tin trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

c) Thông tin cung cấp trên môi trường mạng của cơ quan nhà nước tuân theo một số văn bản quy phạm pháp luật (ban hành sau Nghị định số 43/2011/NĐ-CP) như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Thống kê, Luật Quy hoạch, Luật Khoa học và Công nghệ...

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm phân công, bố trí đủ nhân lực biên tập cổng thông tin điện tử, nhân lực quản trị kỹ thuật; bồi dưỡng nhân lực để bảo đảm phục vụ hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

d) Việc đo lường, giám sát hiệu quả cung cấp thông tin được thực hiện tự động.  

Một trong những đặc trưng của Chính phủ số là khả năng đo lường, giám sát trực tuyến để đưa ra quyết định theo thời gian thực. Do đó, trong Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC) để quản lý, giám sát hiệu quả, mức độ cung cấp, sử dụng thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi đến các bộ, ngành, địa phương đề nghị kết nối kỹ thuật 03 hệ thống (bao gồm Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, và Hệ thống Một cửa điện tử) với EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cho đến nay, đã có 27/27 bộ, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hệ thống EMC để thực hiện đo lường, giám sát tự động việc cung cấp, sử dụng thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

 Về cung cấp DVCTT:

a) Thay đổi cách thức phân loại mức độ DVCTT

Trước đây, theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, các DVCTT được phân thành 04 mức độ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tiễn, cách phân loại này chưa thực sự rõ ràng, tương minh, có thể dẫn đến cách hiểu không đồng bộ. Vấn đề này đã được giải quyết trong Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Theo đó, DVCTT được phân ra theo 02 mức: mức trực tuyến một phần và mức trực tuyến toàn trình.

DVCTT toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. DVCTT một phần là DVCTT không bảo đảm các điều kiện của DVCTT toàn trình. Khi đó, cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.

Cách phân loại này đơn giản, tường minh và phù hợp với cách tiếp cận về phân loại DVCTT trên thế giới.    

b) Quy định về các kênh cung cấp DVCTT

Cổng dịch vụ công là kênh cung cấp DVCTT bắt buộc. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan nhà nước chủ động triển khai các kênh cung cấp DVCTT khác như: Ứng dụng trên thiết bị di động, Mạng xã hội. Cơ quan nhà nước phải công bố các kênh cung cấp DVCTT. Người dân, doanh nghiệp được lựa chọn kênh sử dụng DVCTT. Các kênh cung cấp DVCTT cho phép tổ chức, cá nhân đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng về DVCTT được cung cấp.

Các kênh cung cấp DVCTT phải có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, an toàn bảo mật; đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân, đặc biệt, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng.

c) Thực hiện nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Để thực hiện nguyên tắc này, quy định cơ quan nhà nước phải kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước khác để tự động điền các thông tin vào biểu mẫu điện tử và cắt giảm thành phần hồ sơ.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

d) Chuẩn hóa danh mục DVCTT (mã, tên, e-form, quy trình)

Nghị định số 42/2022/NĐ-CP đã giao Văn phòng Chính phủ xây dựng quy định, hướng dẫn việc chuẩn hóa danh mục DVCTT các cấp và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

đ) Các yêu cầu kỹ thuật cung cấp DVCTT, trong đó nhấn mạnh triển khai dưới dạng dịch vụ;

Việc thiết kế, xây dựng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tuân thủ các quy chuẩn, quy định kỹ thuật đối với các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Sản phẩm phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai dưới dạng các dịch vụ để dễ dàng nhân rộng và tuỳ biến, ít đòi hỏi năng lực công nghệ.

e) Đo lường tự động hiệu quả DVCTT, kết nối EMC của Bộ TTTT để thực hiện.

Nghị định này quy định: Việc quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước phải được thực hiện tự động hóa bằng hệ thống thông tin với từng dịch vụ công trực tuyến, từng chủ thể tham gia giao dịch, từng bước thực hiện dịch vụ.

Nghị định cũng quy định: bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kết nối các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp bộ, cấp tỉnh với hệ thống EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả cung cấp, sử dụng các DVCTT.

Tác động dự kiến của Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 khi được triển khai thực tiễn:

a) Người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước 24/7, ở bất cứ đâu và lựa chọn kênh cung cấp theo nhu cầu;

b) Người dân, doanh nghiệp được sử dụng DVCTT toàn trình từ đầu đến cuối trên môi trường mạng (với các dịch vụ công cung cấp được toàn trình theo quy định) và hướng tới chỉ cần khai báo thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi sử dụng DVCTT.

c) Cơ quan nhà nước quản lý kênh cung cấp thông tin và DVCTT tập trung, thống nhất (đến tận cấp xã), bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm chi phí, nhân lực.

d) Việc cung cấp thông tin và DVCTT tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sẽ bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, sử dụng lại thông tin, dữ liệu.

đ) Việc đo lường, giám sát tự động hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT theo thời gian thực sẽ là cách thức giám sát mới, có tính khách quan và hỗ trợ kịp thời cho việc ra quyết định của lãnh đạo các cấp để cải tiến chất lượng, hiệu quả cng cấp, sử dụng thông tin và DVCTT.

e) Việc xây dựng chính sách quản lý, thúc đẩy cung cấp thông tin, cung cấp DVCTT phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển trên thế giới là yêu cầu bắt buộc để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế ./.  

Nguyễn Tử Tiến Lợi
 

Các tin khác