Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Quy trình canh tác cơ bản lúa hữu cơ

Thứ Tư, 28/12/2022

Sự thúc đẩy về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo kỳ vọng của những người thực hiện chương trình sẽ mang lại nhiều mặt tích cực cho cộng đồng và xã hội, thông qua việc tăng cường giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp nội địa, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và độ phì nhiêu đất và cung cấp cho cộng đồng và xã hội những sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

1. Công đoạn làm đất và duy trì độ màu mỡ cho đất:

1.1. Chọn đất

Chọn đất có lịch sử không sử dụng hóa chất trong ít nhất 3 năm liền kề và có giấy tờ xác minh việc này hoặc đã qua giai đoạn chuyển đổi với sự cho phép của các cơ quan chứng nhận. (Quy chuẩn IFOAM)

Chỉ sản xuất NNHC khi đất đã bảo đảm đủ tiêu chuẩn của PGS hoặc của các tổ chức USDA, EU hay JAS  đã quy định.
Một số yêu cầu của đất trồng với sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

-  Đất phải có độ phì tự nhiên, độ phì tiềm tàng khá cao và không bị ô nhiễm.

+ Loại đất: phải là đất sạch, không bị ô nhiễm vi sinh vật hại, không bị ô nhiễm kim loại nặng: sắt (Fe), chì (Pb), thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Asen (As).

+ Độ dày của tầng canh tác: tầng đất phải dày, đủ điều kiện và là chỗ dựa tốt cho cây trồng sinh trưởng.

+ Tính chất lý, hóa, sinh học của đất: phù hợp với từng loại cây trồng

+ Chế độ nước/độ ẩm đất: đảm bảo đủ ẩm cần thiết cho cây trồng hữu cơ, đặc biệt là có điều kiện để điều tiết nước hợp lý (tưới khoa học) cho cây trồng

-  Đất phải luôn được duy trì hàm lượng chất hữu cơ.

Chất hữu cơ của đất là kho dự trữ và cung cấp thường xuyên các chất dinh dưỡng cần thiết cho các loại cây trồng, đặc biệt là Nitơ (N-đạm). Đất giàu chất hữu cơ, đặc biệt là hợp chất mùn sẽ điều hòa môi trường sống của cây như cấu trúc đất, độ ẩm đất, nhiệt độ đất, phản ứng của đất (độ pH) từ đó tăng tính kháng của cây đối với các bệnh dịch hại. Chất hữu cơ trong đất luôn được duy trì và được làm giàu nhờ các nguồn bổ sung:

+ Sinh khối trả lại đất: như các nguồn thực vật, động vật sau thu hoạch

+ Các loại phân hữu cơ bón vào trước khi gieo trồng: Phân chuồng, phân xanh, phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ chế biến (hc vi sinh, hc sinh học…).

+ Hệ vi sinh vật tham gia tích cực vào quá trình phân giải và tổng hợp các chất hữu cơ trong đất.

- Đất không bị ô nhiễm bởi tác động của các độc tố.

Các độc tố trong đất như những kim loại nặng, những vi sinh vật gây bệnh… sẽ làm suy giảm sức khỏe của đất, sức khỏe của cây trồng và giảm năng suất, chất lượng nông sản.

- Khu vực sản xuấtsẽ được lấy mẫu đất trước khi canh tác để phân tích theo các chỉ tiêu: Dư lượng thuốc BVTV (Thuốc sâu, bệnh và thuốc trừ cỏ; một số yếu tố kim loại nặng và các vi sinh vật gây hại). Tiến hành lấy mẫu đất đại diện theo phương pháp lấy mẫu chuẩn để phân tích các chỉ tiêu nói trên.

- Kết quả được so sánh theo tiêu chuẩn của các tổ chức cấp giấy chứng nhận NNHC (USDA, EU hay JAS…).

1.2. Xử lý đất

Toàn bộ vùng trồng phải được bao quanh bởi hàng rào cách ly với khu vực xung quanh (vùng đệm) để tránh lây nhiễm các hóa chất từ những vườn xung quanh cũng như từ những hộ lân cận vào khu vực sản xuất hữu cơ. Vùng đệm có thể là một hàng rào, tường hay một hàng cây dày có khả năng ngăn chặn những tác nhân gây ảnh hưởng đến vùng đất trồng hữu cơ. Khu vực trồng lúa hữu cơ không được xen lẫn với khu vực trồng lúa thông thường. (IFOAM Guideline for Organic farm)

Cày lật và phơi ải đất ngay sau thu hoạch vụ trước để thay đổi chế độ không khí trong đất và tạo điều kiện cho vi sinh có ích phát triển. Nên sử dụng chế phẩm vi sinh (có Trichoderma) để mau phân hủy rơm rạ và tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ khi lúa được 10-15 nss). Phần rơm rạ không nên đốt đồng như tập quán cũ mà thu gom lại để ủ bằng vi sinh hoặc “Hun kỹ thuật- Sản xuất than sinh học” (chuyển rơm rạ thành Biochar). Rơm rạ được xem là nguồn bổ sung chất hữu cơ và dinh dưỡng quan trọng làm gia tăng năng suất lúa và nâng cao độ màu mỡ của đất.

Tăng chất hữu cơ cho đất bằng cách trồng các loại cây họ đậu trên các khoảng đất nhàn rỗi trên ruộng lúa. Các chất hữu cơ từ quy trình trồng cây họ đậu sẽ có lợi cho đất. Ruộng lúa cũng không nên để trống trước khi trồng và sau khi thu hoạch lúa. Khu vực này nên được bao phủ bởi cây trồng họ đậu có lợi cho đất.

Có thể sử dụng gốc lúa và phân xanh kết hợp vào quá trình làm đất để tăng chất hữu cơ và vi sinh vật có lợi cho đất. Trong trường hợp lúa là cây trồng đơn lẻ ở vùng có nhiều mưa, sau khi thu hoạch, hãy giữ gốc và thân lúa làm vật liệu phủ hoặc cày chúng vào đất, và gieo các loại cây họ đậu lên trên.

Trong trường hợp không canh tác liên tục, nên cắt và bỏ rơm rạ để che phủ cánh đồng nhằm giảm thiểu xói mòn bề mặt đất, tăng chất hữu cơ và một số chất dinh dưỡng cho lứa cây trồng tiếp theo. Đối với cánh đồng lúa vùng cao dốc, việc che phủ đất càng cần phải được thực hiện. Sau khi thu hoạch lúa, nên để lại thân và gốc lúa để che phủ đất cho đến vụ canh tác tiếp theo.

Có thể sử dụng một số chế phẩm có nguồn gốc từ động thực vật để tăng độ phì nhiêu cho đất trước và trong quá trình canh tác (Xem phụ lục 1)(TAS 9000 PART 4-2010).

San phẳng mặt ruộng (có thể ứng dụng máy có công cụ tia Laser), bừa thật kỹ-nhuyễn giúp hạn chế cỏ dại, quản lý nước được tốt hơn, tạo điều kiện cho hạt giống mọc tốt ngay từ đầu, thuận lợi cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ sinh học, bón phân, khống chế cỏ bằng nước và áp dụng kỹ thuật rút nước ở giai đoạn lúa 30 ngày (chế độ ruông khô).

Việc phân tích chất lượng đất nên được thực hiện hàng năm. Điều chỉnh độ pH của đất trong khoảng 5,5-6,5. Trong trường hợp đất có tính axit cao, nên sử dụng đá Mac-nơ (marl) hoặc tro gỗ để nâng pH cho đất(TAS 9000 PART 4 – 2010).

2. Chuẩn bị và xử lý hạt giống

Trong quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cần lưu ý:

- Không được sử dụng giống biến đổi Gen, giống đột biến phóng xạ hay hóa chất, không dùng chất kích thích xử lý để xử lý hạt giống.

- Giống phải sạch, không bị nhiễm sâu bệnh.

- Sử dụng giống giống xác nhận lượng giống từ 70-100 kg / ha giống đối với ruộng áp dụng sạ hàng hoặc sạ hốc; Nếu sạ vãi sử dụng từ 80-120kg/ Ha.

Giống trước khi ngâm, cần phải loại bỏ những hạt lép lửng bằng phương pháp quậy trong nước sình có 5% muối NaCl, hạt lép lửng sẽ nổi hết lên trên do có tỷ trọng nhỏ .Sau đó dùng một trong những chếphẩm: Comcat; NEB.26 hoặc SP1 ngâm giống theo hướng dẫn trên bao bì để hạt giống nảy mầm nhanh, rễ phát triển mạnh, cây khỏe, diệt nấm bệnh trong đất và tăng sức đề kháng với các bệnh hại.

3. Kỹ thuật bón phân theo canh tác NNHC

Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại phân tổng hợp nào như Ure, DAP, SA, Kali, phân lân super hay phân NPK sản xuất từ phân đơn để bón, dù là số lượng rất ít.

Chỉ sử dụng các nguồn phân hữu cơ đã qua chế biến kỹ không chứa kim loại nặng và các vi sinh có hại như: phân hữu cơ, hữu cơ Sinh học (HCSH), hữu cơ Vi sinh (HCVS) và phân vi sinh.

Các loại phân gia súc, gia cầm cũng phải qua chế biến mới được sử dụng.

Khi kiểm tra nếu trường hợp cây trồng do thiếu một số chất gây ra cơ thể phát triển kém thì có thể được bổ sungđúng chất đó từ nguồn được biết rõ ràng và phải ghi chép vào sổ sách để tiện việc theo dõi.

Cần lưu ý khi bón phân cho lúa ở một số điểm sau:

+  Đặc tính của giống (ngắn ngày hay dài ngày, chịu thâm canh hay không), tình hình sâu bệnh trên ruộng, thời kỳ sinh trưởng của cây lúa ở giai đoạn cần bón.

+  Mùa vụ đang trồng (mùa mưa hay mùa khô; Đông Xuân hay Hè-Thu).

+  Đặc điểm của đất trồng (đất canh tác 2 vụ lúa/năm hay 3 vụ lúa/năm, hay 2 lúa 1 màu; Lúa- Tôm), đất phù sa hay đất phèn hoặc nhiễm mặn.

+  Mật độ sạ thưa hay sạ dày.

+ Nước tưới và điều kiện tưới tiêu chủ động hay không.

+ Trình độ canh tác của nông dân)

4. Nguồn nước tưới tiêu cho lúa trồng trọt theo hướng NNHC

Nước cho tưới tiêu cho lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ phải đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn của TCVN 6773-2000, TCVN 6000-1995, TCVN 5996-1995 và TCVN 5994-1995 quy định với từng nguồn nước khác nhau. Nguồn nước tưới cũng không được ở gần các khu vực có khả năng xuất hiện các loại hóa chất độc hại, hàm lượng chất hữu cơ cao hoặc nguồn gây bệnh, như khu vực có nước thải công nghiệp, các loại nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, hoặc nguồn nước thải chưa qua xử lý trong sản xuất.

Đồng thời nguồn nước không được có sự hiện diện của các chất ô nhiễm hóa chất và sinh học, kim loại nặng, chất phóng xạ, cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nước cao hơn quy định. Nếu nguồn nước tưới ở khu vực trồng trọt đó không đủ các điều kiện yêu cầu, nông trại đó cũng không được tiến hành trồng lúa hữu cơ. (Theo  DT 3-TCVN 11041-2:2017)

5. Bảo vệ thực vật trên lúa theo hướng NNHC

(IFOAM norms for organic production and processing, Version 2014)

Nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất lúa hữu cơ chính như sau:

- Sử dụng các giống lúa kháng bệnh, côn trùng và các loại sâu bệnh khác, và phù hợp với vùng trồng lúa cụ thể.

- Áp dụng các kỹ thuật canh tác thích hợp, như chuẩn bị đất và xử lý đất, chọn ngày gieo trồng của mùa vụ, tỷ lệ gieo hạt và khoảng cách gieo hạt, luân canh cây trồng để cắt vòng đời của dịch bệnh, côn trùng và các loài gây hại khác, duy trì độ phì nhiêu của đất và cân bằng dinh dưỡng cho đất cũng như quản lý nước tăng cường sự phát triển của cây lúa khỏe mạnh.

- Cân bằng sinh thái tự nhiên cũng nên được duy trì bằng cách tăng số lượng côn trùng có lợi (thiên địch) để kiểm soát sâu bệnh.

- Sử dụng biện pháp kích thích tính kháng bệnh ở cây trồng (kích kháng). Biện pháp này giúp cho cây bị nhiễm bệnh trở nên có khả năng kháng bệnh ở mức độ nào đó sau khi được xử lý chất kích kháng. Kích kháng không tác động trực tiếp lên mầm bệnh mà nó kích thích quá trình tự vệ của cây trồng (Tăng tính chống chịu và tính kháng cho cây trồng).

6. Xử lý sau thu hoạch

Sản phẩm hữu cơ có thể bị nhiễm bẩn trong quy trình đóng gói, chế biến, vận chuyển và lưu trữ. Bao bì cho sản phẩm sau thu hoạch phải đảm bảo thực phẩm ổn định về mặt vi sinh trong một thời gian xác định. Phương pháp chiếu xạ là một công nghệ không được chấp nhận bởi một số nhóm người tiêu dùng và trong các thực phẩm hữu cơ, vì vậy cần cung cấp công nghệ xử lý thay thế.

Khu vực bảo quản gạo hữu cơ phải được cách ly, sạch sẽ và hợp vệ sinh. Khu vực lưu trữ phải được thông gió tốt và được bổ sung các biện pháp quản lý dịch hại cơ học như bẫy chuột, bẫy côn trùng, keo dính…

Có nhiều loại chuột có thể cắn phá thóc gạo trong kho, như chuột nhà (Rattus norvegicus), chuột đen (Rattus rattus) và chuột lắt (Rattus exulans). Chuột không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho sản phẩm mà còn làm ố sản phẩm với các chất bài tiết, nước tiểu, nước bọt và lông làm giảm chất lượng gạo hữu cơ và gây nhiễm trùng cho người tiêu dùng.

Kiểm soát phòng ngừa chuột:

- Giữ sạch kho, loại bỏ cây hoặc cành dựa vào kho.

- Sử dụng bẫy chuột

- Các thùng chứa và bao tải được sử dụng để đóng gói, cũng như phương tiện vận chuyển gạo hữu cơ, phải sạch và không có bất kỳ sự nhiễm bẩn nào của các chất độc hại và gạo khác. Thiết bị hoặc phương tiện vận chuyển nên có thiết kế thích hợp để vận chuyển và chứa gạo hữu cơ an toàn nhất. Không nên sử dụng phương tiện đã từng được vận chuyển đất, động vật, phân bón hoặc hóa chất có thể gây tạp nhiễm các chất gây bệnh và độc hại, trừ khi phương tiện đó đã được làm sạch đúng cách trước khi sử dụng. Gạo hữu cơ không được trộn lẫn với hàng hóa phi hữu cơ và các vật liệu hoặc chất bị cấm khác cho nông nghiệp hữu cơ trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến trung tâm phân phối.
Các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại trong khu vực bảo quản hoặc các thùng vận chuyển có thể dùng các rào cản vật lý hoặc dùng các biện pháp xử lý khác như tiếng động, sóng siêu âm, ánh sáng, tia cực tím, bẫy (bẫy pheromon và các bẫy có bả, mồi nhử) nhiệt độ có kiểm soát, không khí có kiểm soát (khí cacbonic, ôxy, nitơ) và đất điatomit.

Thu Hoài

Các tin khác