1. Chọn cá bố mẹ và thiết kế môi trường nuôi
Chọn cá thuần chủng, không lấy cá đực và cái trong cùng một lứa. Cá giống truyển chọn phải là những cá thể khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, sức sống cao. Tiến hành nuỗi vỗ cá giống trong ao với diện tích tối thiểu 500-1.000 m2, độ sâu 1,2-1,5m. Ao nên bố trí gần nguồn nước để có thể chủ động thay nước, đảm bảo mặt ao thoáng, không bóng cây che, trên bờ không có bụi rậm. Nuôi chung cá bố mẹ với mật độ 20-25con/ 100 m2. Tỷ lệ đực : cái nuôi vỗ là 1:2 hoặc 1:3.
2. Kỹ thuật chăm sóc
Thức ăn thì sử dụng loại cám có 35-40% đạm, bón ao định kỳ tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Lượng thức ăn cho ăn trong ngày giao động từ 5-7% tổng trọng lượng đàn, có thể thay đổi tùy vào điều kiện khí hậu môi trường có thuận lợi hay không hoặc tùy vào sức khỏe đàn cá.
Cải tạo ao trước khi thả giống: Quy trình cải tạo ao trước khi thả giống cũng giống như ao nuôi các loài cá nước ngọt khác. Tuy nhiên cần lưu ý, cá chép nói chung thích ăn mồi ở tầng đáy, chủ yếu là động vật đáy, do đó để nâng cao năng suất nuôi và hiệu quả sử dụng ao hồ cần quan tâm đến việc gây nuôi động vật đáy để làm thức ăn tự nhiên cho cá.
3. Chuẩn bị cho cá sinh sản
Khi cá được 7-8 tháng tuổi đến giai đoạn thành thục, tiến hành kiểm tra độ thành thục của cá bố mẹ để chọn cá sinh sản. Chuẩn bị bể đẻ là hồ xi măng, đáy bằng phẳng và không có vật nhọn, diện tích 2,5 x 5 x 1,2m, giăng lưới xung quanh bên trong với mục đích dễ thu gom cá bố mẹ sau khi sinh sản và tiện cho việc theo dõi cá sinh sản. Mực nước cấp vào bể đẻ ban đầu khoảng 1,5m và phải lấy trước 2 ngày.
Cá chép Nhật là loài cá đẻ trứng dính trên cây cỏ thủy sinh nên giá thể là rất cần thiết. Giá thể cần được vệ sinh sạch sẽ, sát trùng trước khi thả vào ao. Việc lựa chọn cá bố mẹ thường được tiến hành vào buổi sáng, 8-9 giờ, khi cá bố mẹ được lựa chọn phù hợp thì cá được đem lên bể đẻ, kích thích dưới ánh sáng mặt trời. Độ chiếu sáng trung bình trên hồ là 8/24 giờ. Đến xế chiều, 16-17 giờ cho giá thể vào và tạo dòng nước chảy nhẹ vào hồ. Bố trí hệ thống sục khí để tăng cường oxy. Việc phơi nắng và tạo dòng chảy hay tăng cường oxy là các yếu tố kích thích sự sinh sản của cá.
4. Ấp trứng
Thường xuyên cho nước chảy nhẹ ngành hoặc thay một phần lượng nước trong thau ấp bằng lượng nước đã dự trữ sẵn. Thau trứng luôn được sục khí liên tục, nhất là trứng sắp nở. Tránh sự chiếu sáng trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Trứng thụ tinh sau khoảng 24 giờ sẽ thấy hai bên mắt đen liti. Quá trình phát triển phôi cần lượng oxy rất cao, nhất là thời điểm trước và sau khi trứng nở, vì cơ thể cá chuyển từ trạng thái phôi bất động sáng trạng thái vận động, quá trình trao đổi chất tăng.
Mặt khác, các enzym được tiết để phá vỡ mối liên kết màng trứng chỉ hoạt động trong điều kiện giàu oxy, nếu thiếu oxy thì enzym bị ức chế dẫn đến tỉ lệ nở thấp. Trong giai đoạn cá mới nở, cá dễ chết hàng loạt nếu trên bề mặt có lớp váng do thiếu oxy, vì vậy phải tăng cường sục khí sau khi trứng nở.
Hồng Hà (Theo vusta.vn)