Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Quy trình sản xuất cây ớt ngọt

Thứ Sáu, 29/01/2016
Cây ớt ngọt có nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện nay đang được trồng ở mọi châu lục. Ớt ngọt có chứa nhiều vitamine A, C nên nó là một loại rau có giá trị.

Cây ớt ngọt sinh trưởng tốt trên đất thịt, thoát nước tốt, độ pH 5,5-7,0. Khả năng chịu hạn và chịu úng của loại cây này không cao. Ớt ngọt phù hợp với điều kiện nhiệt độ từ 18-250C và ẩm độ 80-90%. Trong điều kiện nhà che ni lông ớt ngọt có thể trồng được quanh năm.

1. Thời vụ
Vụ đông-xuân: Gieo tháng 8-9 trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1-2.
Vụ hè thu: Gieo hạt tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 3-4.

2. Chuẩn bị vườn ươm
Vườn ươm: Chọn đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước.
Lên luống: Mặt luống rộng 0,9-1,0m; cao 20-25cm.
Bón lót: Phân chuồng hoai mục 3-4kg/1m2.
Lượng hạt gieo: 2g/m2. Khi cây con được 5-6 lá thật, cao 12-15cm thì có thể đem trồng. Chọn những cây sạch sâu bệnh và có độ đồng đều cao.

3. Đất trồng
Chọn đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, pH = 5,5-7,0, mùn tổng số 1,5% và chủ động được nguồn nước tưới. Nơi trồng phải xa khu công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, nguồn nước thải và cách xa đường quốc lộ ít nhất 100m.
Phơi ải đất, cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,0-1,2m, cao 25-30cm, rãnh rộng 20-25cm. Trồng 2 hàng trên luống.
Khoảng cách trồng 0,4x0,7m (mật độ 30.000 – 35.000 cây/ha).

4. Phân bón
Tuyệt đối không dùng nước phân và phân tươi để bón cho ớt ngọt.
Lượng phân cần dùng cho 1 ha: Phân chuồng hoai mục: 20-30 m3; vôi 1000-1500 kg; Nếu thiếu phân chuồng có thể bổ sung thay thế phân hữu cơ vi sinh với liều lượng bằng 1/3 lượng phân chuồng. Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, lân supe. Sau đó cày sâu 30 – 35cm, sau khi cày lên luống, cào bằng mặt luống để trồng.
Phân vô cơ:

Bón thúc lần 1: sau trồng 10-12 ngày, kết hợp xới xáo nhẹ. Lần 2 khi ra hoa rộ (sau trồng 40-45 ngày) kết hợp làm cỏ, vun gốc. Lần 3 sau khi thu quả đợt đầu. Lần 4 sau khi thu quả rộ.
Có thể tăng cường các loại phân bón qua lá giàu các nguyên tố trung vi lượng như Ca, Mg, Bo, Mn, Mo, Cu, Zn. Fe…phun định kỳ 10-15 ngày/lần để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

5. Chăm sóc
Sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên cho đến khi cây hồi xanh. Thời sau cần tưới giữ ẩm cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng. Có thể tưới rãnh khi cây đang trong giai đoạn ra hoa, độ ẩm thích hợp trong suốt thời gian sinh trưởng là 75-80%. Chú ý không để ruộng ớt quá ướt sẽ gia tăng tỷ lệ bệnh héo xanh do vi khuẩn.
Nên dùng nước giếng khoan hay nguồn nước không bị ô nhiễm để tưới cho cây. Không dùng nước ao tù, nước thải công nghiệp, sinh hoạt… Nếu có điều kiện, nên che phủ ni lông hoặc phủ rơm rạ sau khi trồng. Ở những giống có nhiều cành thì tỉa bớt chỉ chừa lại mỗi cây 3-4 cành. Thường xuyên tỉa bỏ lá già, quả bị hư, dị dạng nhiều…
Làm cỏ, xới xáo, vun gốc lần 1 sau trồng 10-12 ngày; lần 2 sau lần 1 từ 12-15 ngày; lần 3 sau lần 2 khoảng 20-25 ngày
Cắm choái: Sau khi trồng khoảng 2 tuần cây đã bén rễ và phát triển tốt, tiến hành cắm choái cho cây. Nên cắm mỗi cây một choái và cột cố định cây vào, khi cắm phải thật cẩn thận tránh làm long gốc cây sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Khi cây cao hơn 35cm thì bắt đầu cắm choái cao và đan dây nylon để giữ cho cây không bị đỗ ngã vì mang trái nặng.

6. Phòng trừ sâu bệnh
6.1. Bệnh hại
6.1.1. Bệnh thán thư (do nấm Coletotrichum spp.): Nấm bệnh được truyền qua hạt giống, tàn dư thực vật và nhiều loài cây ký chủ khác. Bệnh phân bố rộng và xảy ra bất cứ nơi nào trồng ớt trong điều kiện nhờ nước trời hay tưới phun nước mưa. Nhất là trên những ruộng đã từng trồng ớt hoặc cà chua, đất có độn chất hữu cơ, trồng nhiều vụ nhưng không được xử lý kỹ.
Triệu chứng: Bệnh xuất hiện ở vỏ trái, khi trái chín đầy đủ trên vỏ trái xuất hiện những đốm bệnh nhỏ, ngấm nước, lõm và phát triển nhanh. Đường kính của những vết bệnh này có thể lan rộng 3-4cm. Những vết bệnh phát triển đầy đủ bị lõm xuống, có màu từ đỏ đậm đến nâu nhạt trên nền mô nấm màu đen. Các khối bào tử màu nâu nhạt đến hồng, nằm rãi rác hay những vòng đồng tâm trên vết bệnh. Đôi khi triệu chứng này cũng xuất hiện trên những quả chưa chín.
Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng khác họ, sử dụng giống sạch bệnh. Trước khi gieo hạt có thể xử lý hạt giống với nước nóng từ 50-520C trong 2 giờ hoặc KMnO4 0,1% từ 1-2 giờ. Chọn cây giống khỏe, sạch sâu bệnh để trồng. Trồng với mật độ thích hợp, sử dụng màng phủ luống. Bón phân cân đối giữa đạm (N), lân (P2O5), kali (K2O). Phun định kỳ bằng các loại thuốc Metalaxyl 35WP, Ridomil Gold 75WP, Score 250EC, Tilt 250EC…

6.1.2. Bệnh héo vàng (do nấm Fusarium oxysporum): Bệnh xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cây con đến khi cây ra hoa. Triệu chứng điển hình thường thấy ở phần thân gần gốc có những vết đen từng mảng trên bề mặt. Nấm bệnh làm hư hại đến bó mạch dẫn của cây, do vậy cây héo xanh và chết.
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng. Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh để trồng. Xử lý đất trước khi trồng bằng dung dịch CuSO4 1-2%. Phun thuốc phòng bệnh bằng các loại thuốc như Benlat C 50WP, Canthomyl 50WP, Dithane M45 80WP + Daconyl 500SC…

6.1.3. Bệnh héo xanh (do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum): Bệnh lây lan do đất nhiễm khuẩn héo xanh từ cây trồng các vụ trước hoặc do giống kháng bệnh héo xanh kém.
Triệu chứng: cây đang phát triển tốt nhưng giữa trưa nắng có một số cây bị héo rũ, đến chiều lại hồi phục, hiện tượng này diễn ra trong một thời gian ngắn, sau đó cây bị héo rũ hoàn toàn. Khi bệnh xuất hiện cần nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy cách xa nơi trồng.
Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng khác họ ít nhất từ 3-5 năm. Trước khi trồng nên tiến hành xử lý đất thật kỹ để giảm hiện tượng cây héo xanh do vi khuẩn.

6.2. Sâu hại
Cần chú ý các đối tượng như rệp, bọ trĩ, bọ phấn… Nên kiểm tra ruộng hàng ngày để phát hiện sớm và phun thuốc kịp thời.
Có thể sử dụng các loại thuốc như Trebon 10EC, Sherpa 5EC, Pegasus 500SC, Abatin 1,8EC…để phun phòng.

7. Thu hoạch – Bảo quản
Ớt ngọt thường được sử dụng khi quả còn xanh, nếu quả đã chuyển màu đỏ thì sẽ giảm giá trị thương phẩm (trừ trường hợp phải thu giống có màu chín đỏ). Xác định thời gian thu hoạch đối với ớt ngọt rất quan trọng; thu quá non thì thịt quả mỏng, không ngon, năng suất không đạt; thu quá già cũng kém chất lượng và không phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Khi nhìn thấy vỏ quả trở nên bóng, ấn vào quả thấy cứng tay và đạt kích thước tối đa thì có thể thu hoạch.Thông thường khoảng 35-40 ngày sau khi nở hoa thì quả có thể thu được ở hầu hết các giống.

Khi thu hoạch tránh làm gãy cây, vì cây ớt tương đối dòn, để hạn chế tối đa sự gây hại nên thu hoạch bằng dao hoặc kéo. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 6-8 tuần. Năng suất có thể đạt 60-80 tấn/ ha.

Có thể bảo quản ở nhiệt độ 00C và ẩm độ tương đối 95-98% trong vòng 40 ngày.

Thu Hoài (st)

Các tin khác