Đậu Hà Lan có thể trồng được trên nhiều loại đất, thích hợp trên đất thịt nhẹ, pha cát, đất giữ ẩm nhưng thoát nước tốt. pH đất thích hợp 6-7. Trong thâm canh đậu hoà lan cần phải bón nhiều phân hữu cơ.
1. Thời vụ
Đậu Hà Lan có thời gian sinh trưởng từ 100-120 ngày tuỳ thuộc vào chủng lọai giống, điều kiện chăm sóc và thời vụ trồng. Đậu Hà Lan có thể trồng quanh năm ở những nơi có khí hậu mát mẻ. Thời vụ cho năng suất cao, ít sâu bệnh là trồng vụ Đông - Xuân hoặc canh tác trong nhà ni lông.
2. Làm đất, gieo hạt
Đất trồng đậu Hà Lan phải cày bừa kỹ ở độ sâu 20 cm, bón lót vôi, phân hữu cơ, lân. Lên liếp rộng, vụ Đông - Xuân 0,8-1,0 m, vụ Hè - Thu 1-1,2m, rãnh 20-25cm, luống cao 10-15cm. Xử lý đất bằng Basudin 10G hoặc Regent 0,2G.
Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng Zineb, Kasumin với nồng độ 1-2% (1-2 g thuốc trộn đều với 1 kg giống).
Lượng hạt giống cần dùng 15-20 kg/ha. Trồng hai hàng trên một luống, hàng cách hàng 50-60cm, cây cách cây 20-25 cm. Gieo 1 hạt 1 hốc.
3. Chăm sóc
Nẩy mầm, ra hoa và kết quả là 3 thời kỳ quan trọng đối với cây đậu Hà Lan. Do đó cần phải chú ý đến các biện pháp chăm sóc:
Sau khi nảy mầm cần xới phá váng để đất tơi xốp, giúp rễ và hệ vi sinh vật hoạt động tốt. Thời kỳ sinh trưởng cần xúc rò, vun gốc 1-2 lần. Giai đoạn ra hoa kết quả cần cung cấp đầy đủ phân bón và nước tưới.
Làm giàn cho đậu phải làm đúng thời gian. Khi cây lên khỏi mặt đất 4-7 cm, kết hợp với làm cỏ, xăm xới phá váng. Cây cao 17-20 cm thì tiến hành vô chân. Khi cây thả vòi nên cắm chà cho cây theo hình chữ nhân (1 hốc cắm 1 chà, cắm 2 hàng chà dọc theo 2 hàng cây).
4. Phân bón
Phân chuồng 30-40 m3/1ha (có thể thay thế bằng 2000 kg phân hữu cơ vi sinh như Realstrong, Suistauce…); vôi 2000-3000kg (tuỳ pH đất). Bón lót toàn bộ.
Phân vơ cơ bón /1ha:
Loại phân Bón lót Bón thúc: Bón thúc lần 1, kết hợp xăm xới, phá váng. Lần 2, kết hợp vun gốc vô chân. Lần 3, khi cây ra hoa. Lần 4, khi ra trái rộ
Bên cạnh đó, có thể phun phân qua lá để tăng năng suất, tăng khả năng đậu hoa, đậu quả và trái lớn với các chế phẩm Antonik, Gro-ro, Basfoliar K, Pro-plant… định kỳ 7-10 ngày/lần.
5. Phòng trừ sâu bệnh
5.1. Sâu hại
5.1.1. Dòi đục gốc và thân: Gây hại chủ yếu vào vụ Đông - Xuân, đối tượng là cây đậu Hà Lan khi mới mọc. Cây bị hại héo và chết rũ. Khi nhổ cây lên rễ thường không còn và gốc bị đen. Để phòng trừ, trước khi trồng nên xử lý đất bằng Regent 0,2G, Basudin 10G, phun Phironin 50 SC, Oncol 20 EC vào hốc gieo hạt. Có thể dùng Metaphos + Dipterex 1/600 phun vào gốc.
5.1.2. Dòi đục lá (Phytomyza atricorina): Dòi đục phá nhu mô lá tạo thành những vết hoặc những đoạn ngắn, nhỏ, màu trắng hơi xanh. Sau dần dần tạo thành vết có hình tròn lớn lên nhanh chóng. Sau đó biểu bì lá phồng rộp lên, có màu trắng rõ rệt.
Nhiệt độ thích hợp cho dòi đục lá hoạt động là 15-200C. Độ ẩm có ảnh hưởng đối với dòi, đặc biệt là độ ẩm của đất. Đất quá khô hoặc quá ẩm đều ảnh hưởng xấu đến nhộng vũ hóa.
Phòng trừ: Phun thay đổi giữa các chế phẩm: Trigard 75WP, Abatin 1,8EC, Nectoxin 95WP.
5.1.3. Nhện đỏ: Thường xuất hiện dưới lá, chích hút là lá quăn queo, không còn khả năng quang hợp. Phòng trừ bằng Nissorum 5EC, Danitol 10EC, Commite 73EC.
5.1.4. Rầy mềm: Thường xuất hiện trên lá, thân, đọt cây và quả để chích hút. Phun phòng luân phiên Confidor 100SL, Politrin 440 EC, Mapy 48 EC.
5.1.5. Sâu xanh (Heliothis armiges): Sâu non mới nở gây hại trên các bộ phận của cây, chủ yếu là các bộ phận còn non. Ở độ tuổi còn non, sâu ăn búp, ngọn, nụ hoa, từ tuổi 3 trở lên thích ăn nụ và quả. Sâu đục vào bên trong quả ăn rỗng ruột rồi chuyển qua đục quả khác.
Biện pháp phòng trừ: Luân canh đậu Hà Lan với những cây rau khác. Thu hoạch tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch để diệt sâu và cày bừa kỹ để diệt nhộng trong đất. Kiểm tra, phát hiện kịp thời để phun thuốc vào thời kỳ trứng và sâu non mới nở chưa kịp phá hại. Sử dụng thuốc Amate 150SC, Cypermap 25EC, Pegasus 500SC…để phòng trừ.
5.2. Bệnh hại
5.2.1. Bệnh gỉ sắt: Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, khi nặng, bệnh gây hại cả quả, thân. Lúc đầu trên lá xuất hiện những điểm nhỏ, màu hơi vàng, nổi gờ, sau đó vết bệnh to dần, ở giữa có màu nâu sậm, xung quanh có quầng vàng hẹp. Bệnh nặng, trên lá dày đặc những vết bệnh màu nâu vàng, làm cho lá khô và rụng, cây cằn cổi, nhanh tàn, năng suất giảm.
Biện pháp phòng trừ: Thực hiện biện pháp luân canh, tỉa bớt lá già dưới gốc để tạo độ thoáng cho cây. Không trồng quá dày, làm luống cao, dễ thoát nước. Sử dụng Score 250EC, Anvil 5SC, Plant 50 WP, Sumi eight 12,5WP để phun phòng trừ.
5.2.2. Bệnh phấn trắng (Erysiphe communis G.): Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Bệnh làm cây phát triển kém, quả bị lép. Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm, nóng ấm và mạnh dần trong giai đoạn sinh trưởng của cây đậu
Biện pháp phòng trừ: Giống như bệnh gỉ sắt. Cần bón phân cân đối, hạn chế đạm, tăng cường bón kali và lân. Chọn những hạt không bị bệnh ở ruông làm giống. Có thể sử dụng Topsin M 700WP, Kumulus 80DF, Kasuran 45WP, Daconil 500SC… để phun phòng.
5.2.3. Bệnh đốm lá (Cercospora cruenta): Lá bị bệnh có vệt màu nâu, chung quanh có quầng vàng rộng. Bề mặt vết bệnh thường có lớp mốc màu xám, mặt dưới nhạt hơn. Lá bị bệnh mau tàn, khô rụng sớm, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nấm bệnh sinh trưởng, phát triển thích hợp ở 25-300C. Nhiệt độ, ẩm độ tương đối cao, bón phân thiếu, chăm sóc kém là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh.
Biện pháp phòng trừ: Bón phân đầy đủ, cân đối; chọn lọc hạt chắc, hạt không có vết bệnh làm giống; đề phòng khô hạn và chống đọng nước ở ruộng trồng đậu. Sử dụng Kasuran 45 WP, Score 250 EC, Judi 5SC, Antraco 70 WP… để phun phòng.
5.2.4. Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani): Bệnh gây hại trong suốt quá trình phát triển của cây, chủ yếu ở thời kỳ cây con. Triệu chứng đặc trưng phần cổ rễ sát mặt đất bị thâm đen, thối mục, cây bị héo chết. Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thấp hoặc mưa, nắng, nóng, rét bất thừơng.
Biện pháp phòng trừ: Chọn hạt giống khoẻ để giống; cày bừa kỹ để ải và bón vôi bột để hạn chế nguồn bệnh trong đất và trên tàn dư cây; cần phá váng trong ruộng sau khi mưa và tỉa bỏ các lá phía dưới gốc , bảo đảm độ thoáng cho cây; đảm bảo mật độ trồng vừa phải, không gieo hạt quá dày, vun gốc cao; Sử dụng các chế phẩm Aliette 80WP, Ridomil 240EC, Monceren 250EC. Metaxyl 25WP… để phòng trừ.
5.2.5. Bệnh châm kim (Pseudomonas sp): Bệnh gây hại trên lá, quả, nhưng nặng nhất là trên quả. Quả bị bệnh có những chấm nhỏ màu đen li ti, lúc đầu nhỏ, sau lớn dần, vết bệnh gồ lên. Bệnh nặng làm cho hạt bị lép và ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm khi thu hoạch quả non. Bệnh phát triển mạnh ở nhiệt độ thấp, ẩm độ cao. Bệnh gây hại nặng trong vụ Hè - Thu.
Biện pháp phòng trừ: Đảm bảo mật độ trồng cây thích hợp; thoát nước tốt; Có thể sử dụng các chế phẩm Kocide 53DF, Topsin-M 70WP, Anvil 5SC, Glory 50SC… để phòng trừ.
6. Để giống
Để giống theo nguyên tắc 4 tốt (ruộng tốt, cây tốt, trái tốt, hạt tốt). Ruộng để giống cần thâm canh cao, bón nhiều lân và kali để tăng chất lượng trái, hạt.
Chọn những cây đặc trưng, không bệnh, phát triển tốt, Lấy quả giống ở đoạn giữa cây, những quả phía dưới và trên ngắt bỏ. Để quả chín già, hái đem phơi 2-3 ngày nắng rồi bóc hạt cho vô chai đây kín hay bịt ni lông, để nơi thoáng mát.
Đinh Liên