1. Bệnh chùn ngọn
Do Virus Banama Bunchy Top gây hại, làm lá ngắn lại, lá sau thường ngắn hơn lá trước, các lá non bị dăn deo gợn sóng, thô cứng và nhỏ dần, giòn và dễ gãy. Ngọn cây bó và chùn lại. Cuống lá xếp sít nhau. Cây con lụi dần. Cây mẹ không trỗ buồng hoặc trỗ buồng ngang thân giả.
Rệp là môi giới truyền virus gây bệnh, hiện chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu, chủ yếu phòng ngừa bằng một số biện pháp chính như: Vệ sinh vườn thường xuyên. Sử dụng cây giống sạch bệnh (cây nuôi cấy mô). Không trồng chuối tiêu hồng quá 5 năm trên cùng chân ruộng. Luân canh chuối với các cây ngô, lạc hoặc dược liệu. Phun Suprathion hoặc Supracid để phòng trừ rệp vào thời kỳ cây chuối sinh trưởng khoẻ (tháng 4-6).
2. Bệnh đốm lá
Do vi khuẩn Hycospha erellafyensis var difformis gây hại. Vết bệnh ban đầu xuất hiện trên phiến lá là các sọc nhỏ vàng mờ, sau chuyển màu nâu. Khi chết vết bệnh có tâm màu xám xung quanh viền vàng. Nếu vết bệnh lan rộng thành mảng lớn, có thể làm giảm 50% năng suất chuối. Bệnh lây lan và phát triển mạnh trong điều kiệm mưa ẩm.
Phòng trừ: Cắt bỏ tiêu huỷ kịp thời các lá chuối bị bệnh. Phun Tilt 250EC hoặc Bavistin 50FL để trừ bệnh sớm, cần pha thêm chất bám dính HPC khi phun. Chú ý, khi dự báo thời tiết sẽ có ẩm độ không khí cao trên 75% và nhiệt độ không khí 25-30 độ C kéo dài nhiều ngày liên tục, cần phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc trên, phun kép 2 lần cách nhau 7-10 ngày.
3. Bệnh thán thư
Do nấm colletotrichum sp gây hại. Bệnh thường phát sinh trên các vườn trồng chuối lâu năm. Nấm thán thư thường xuất hiện gây hại từ mép lá cây. Vết bệnh ban đầu có màu thâm tròn bằng khuy áo, sau chuyển màu vàng và lan rộng thành viền từ mép lá vào trong, cuối cùng lá bị khô cháy hoàn toàn. Trên quả, nấm thán thư thường gây hại khi quả chuối tròn cạnh (quả già), khi chín tạo các đốm trứng quốc trên vỏ quả.
Phòng trừ: Bao buồng quả bằng túi PE xanh. Vệ sinh tạo sự thông thoáng cho vườn chuối. Không trồng chuối mật độ quá dày. Phun Zineb 80WP hoặc Anvil 5SC khi vết bệnh đầu tiên xuất hiện, phun phòng khi thời tiết có nhiều sương giá và ẩm độ không khí cao. Xử lý quả sau thu hoạch bằng Topsin hoặc Bavistin.
4. Sâu đục thân
Sâu non thường sống trong thân giả và là pha gây hại chính. Từ lỗ sâu đục tiết ra chất chảy dính màu vàng đục. Sâu hại nặng làm cho thân giả thối, lá chuối chuyển màu vàng, cây có buồng sẽ gãy gục ngang thân.
Phòng trừ: Luân canh chuối với cây trồng khác. Cắt bỏ lá chuối thoái hoá, nhổ sạch cỏ và thu gom tiêu huỷ triệt để tàn dư thực vật trong vườn. Xử lý hố trước khi trồng bằng Furadan 10H. Rắc Basudin 5G vào nõn chuối 2 lần (đầu tháng 4 và đầu tháng 5) mỗi lần 3g/1 cây.
Bẫy sâu trưởng thành vào cuối tháng 2 đầu tháng 3: Lấy đoạn thân giả chuối dài khoảng 1m, chẻ dọc chia tư rồi đặt úp xuống đất cạnh khóm chuối. Mỗi khóm đặt 1-2 bẫy, sau đó bắt sâu trưởng thành vào sáng sớm, cho vào túi PE đưa đi tiêu huỷ.
5. Sâu gặm vỏ quả
Gây hại trên các phần non của hoa và quả tạo ra các vết ngoằn ngoèo hoặc sần sùi, làm xấu mã quả, giảm giá trị thương mại. Biện pháp phòng trừ: Phun Sherpa 25EC + Comite 73EC trước khi bao buồng quả 10-12 ngày.
6. Tuyến trùng
Làm thối rễ cây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh trưởng phát triển của cây chuối.
Phòng trừ: Trồng chuối trên các chân đất tơi xốp giàu mùn. Bón 0,3kg vôi bột/1 hốc chuối trước khi trồng. Tăng cường bón phân hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh để giảm lượng phân bón hoá học. Cày sâu và phơi kiệt đất trước khi trồng. Luân canh chuối với cây trồng nước. Dùng chế phẩm Nema, Trichoderma hoặc Chitosan...
Thu Hoài (Tổng hợp)