Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Sự điều độ với sức khỏe

Thứ Hai, 30/03/2015
Cơ thể con người là một thể thống nhất, mọi hoạt động của cơ thể đều theo nhịp điệu sinh học. Do vậy muốn sống lâu, sống khỏe cần phải có điều độ. “Điều độ” có nghĩa là có chừng mực và đều đặn về mọi mặt hoạt động của con người. Trong sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh có câu thơ của Lã Thuần Dung: Hai tám xuân xanh ả gái màu/Khác gì gươm sắc hại gần nhau/Bề ngoài nào thấy chi nguy hiểm/Tủy kiệt xương khô ai biết đâu.

Ông còn trích lời nói của Doãn Chân Nhân “Người ta có ba thứ dục: ham ăn, ham ngủ và ham sắc dục. Trong ba thứ này, ăn uống là căn bản. Người biết dưỡng sinh thì uống trước khi khát, nhưng không uống quá nhiều. Nên ăn ít mà ăn nhiều lần, không ăn nhiều mà khó chịu, thường nên để trong cái no có một chút đói, không nên để trong cái đói có một chút no. Ăn uống dùng thức ăn ấm (vì tỳ, vị ưa ấm, đừng để cho lạnh nóng phạm vào). Nên ăn cơm nhiều hơn thịt, không ăn thịt nhiều hơn cơm. Thà để đêm đói còn hơn ăn no sinh thương tổn, sáng bụng đói chớ uống chè đặc, nên dè uống rượu sau bữa ăn. Đói quá chớ nên ăn thật no, khát lắm chớ uống nhiều. Sau cơn giận không nên ăn ngay, sau bữa ăn chớ nên nổi giận. Rất nên cẩn thận để cho chân khí điều hòa”.

Tuệ Tĩnh cũng đã có lời khuyên với mọi người: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. Theo quan niệm của y học cổ truyền con người ta có 3 cái quý nhất (tam bảo) đó là tinh, khí và thần. Tinh, khí và thần đều có nguồn gốc từ tiên thiên (do cha mẹ truyền cho) và hậu thiên (được cơ thể chắt lọc những tinh túy từ thức ăn nước uống cung cấp qua tỳ vị và sự hít thở khí trời), thần biểu hiện sức sống của con người bao gồm tinh thần, ý thức, tri giác và vận động. Tinh, khí và thần có quan hệ chặt chẽ hữu cơ với nhau. Nếu giữ được thần, vững được khí, vẹn được tinh thì mọi bệnh tật đều không sinh ra được.

Người xưa còn truyền  câu chuyện: Có vị đạo nhân, khi đi đường thấy 3 cụ già đều ngoại trăm tuổi đang làm cỏ lúa với nhau. Vị đạo nhân đến hỏi 3 cụ: Tại sao các cụ được thọ như vậy? thì cụ thứ nhất trả lời: Vợ tôi ở nhà xấu xí lắm; cụ thứ hai nói: Tôi liệu chừng theo bụng tôi mà vừa ăn thôi; cụ thứ 3 nói: Tôi không bao giờ trùm đầu lúc ngủ. Nhờ đó mà được trường thọ.

Chuyện xưa là vậy, ngày nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu và suy ngẫm về những lời dạy của các bậc tiền nhân, hy vọng mỗi người có một phương pháp giữ gìn sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, chất lượng cuộc sống ngày được tốt hơn.

Nguyễn Hoán

Các tin khác