Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tác hại của miếng dán hạ sốt

Thứ Năm, 27/09/2018
Do được bán rộng rãi tại các hiệu thuốc lại rẻ tiền, dễ sử dụng nên miếng dán hạ sốt rất được các bậc cha mẹ lựa chọn khi con bị sốt. Tuy nhiên, họ không biết rằng miếng dán hạ sốt không phải là thuốc, không có tác dụng chữa trị bệnh, đặc biệt nếu lạm dụng, dùng sai có thể nguy hiểm cho trẻ.

1. Gây bệnh cho con vì thiếu hiểu biết

Đưa con đi tập vật lý trị liệu, chị N.T.L nghẹn ngào cho biết, con trai 4 tuổi của chị khi sinh ra rất khỏe mạnh, lanh lợi nhưng sau một lần sốt cao đã bị bại não, giảm sút khả năng vận động và nhận thức. Chị kể, ngày đó con chị được 2 tuổi, sau một ngày đi chơi cùng gia đình thì đến tối cháu lên cơn sốt cao. Sẵn miếng dán trong tủ thuốc, chị dùng ngay cho con nhưng thấy cháu mệt mỏi, ngủ li bì nên chị không đánh thức con dậy và cũng không sử dụng thêm loại thuốc hạ sốt nào khác. Nhưng đến sáng hôm sau chị thấy con vận động tay chân rất khó khăn, quá lo lắng nên chị nhanh chóng cho con đến bệnh viện khám và thất thần khi bác sĩ cho biết con chị bị bại não do di chứng của sốt cao và giải thích, ở trẻ em, các hệ cơ quan chưa hoàn chỉnh nên rất dễ có phản ứng sốt cao quá mức (trên 400C). Và cũng do chưa phát triển hoàn chỉnh nên cơ thể khó có khả năng chống đỡ cơn sốt, đặc biệt là hệ thần kinh vốn dễ tổn thương.

Do vậy, tốt nhất là xử lý đúng cách cơn sốt cao ngay từ ban đầu bằng một số biện pháp như chườm mát (bằng nước ấm), mặc quần áo thoáng mát... và sử dụng thuốc hạ sốt có chứa paracetamol. Chị N.T.L không biết miếng dán hạ sốt rất hạn chế trong việc hạ thân nhiệt cho trẻ nên không cho con uống thuốc hay thực hiện biện pháp giảm sốt nên mới gây ra hậu quả đáng tiếc cho con.

2. Miếng dán hạ sốt là gì?

Thành phần chủ yếu của miếng dán hạ sốt là hydrogel, đây là các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước, nhưng chúng hút một lượng nước khá lớn ở vùng da được dán miếng dán, hạ sốt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài tại vùng da này, không có tác dụng toàn thân. Một số loại miếng dán hạ sốt còn có thêm tinh dầu (ví dụ menthol là tinh dầu bạc hà...), khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt và chỉ dùng dán ngoài da nên khả năng hạ sốt là rất hạn chế. Và trong miếng dán hạ sốt không hề chứa thuốc hạ sốt nên không có tác dụng toàn thân. Điều quan trọng đáng chú ý là cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán hạ sốt có thể thay được thuốc trong điều trị sốt cho trẻ em.

3. Tác hại khi dùng miếng dán hạ sốt

Không hạ sốt được cho trẻ: Hiện nay, phương pháp chườm lạnh để hạ thân nhiệt cho trẻ đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo là không sử dụng vì không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh nên rất hạn chế trong việc làm giảm thân nhiệt cho trẻ.

Gây biến chứng nặng nề do sốt: Cần phải lưu ý thêm rằng chức năng hạ sốt khi dùng miếng dán rất hạn chế cho nên những trường hợp trẻ sốt quá cao mà chỉ dùng miếng dán để hạ sốt sẽ vô tác dụng và nếu càng chậm trễ không dùng thuốc hạ sốt càng nguy hiểm bởi vì nguy cơ dẫn tới trẻ bị co giật và gây biến chứng về não là khó tránh khỏi.

Kích ứng da: Da trẻ mỏng, nhạy cảm, dễ bị dị ứng cho nên một số trẻ có thể bị dị ứng bởi các thành phần trong miếng dán.
Ảnh hưởng tới hệ hô hấp: Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh có thể bị ảnh hưởng bởi hệ hô hấp do một số loại miếng dán có thành phần menthol. Đối với các trẻ sốt do viêm phổi, việc dùng miếng dán hạ sốt khiến hệ hô hấp của trẻ càng tổn thương do phải hoạt động nhiều hơn, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc điều trị.

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Với những phụ huynh vẫn muốn sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ (vì rẻ tiền, dễ mua), cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng khi trẻ bị dị ứng hoặc sốt do viêm phổi, không được lạm dụng và không dùng trong thời gian lâu. Nếu thấy trẻ không giảm sốt cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.

Hồng Hà (Theo Sức khỏe và đời sống)

Các tin khác