Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tạo Ong chúa đúng kỹ thuật

Thứ Năm, 20/08/2020
Trong quá trình nuôi ong, các chủ nuôi thường tiến hành tạo ong chúa mới để thay ong chúa đã già, sức đẻ kém hoặc để chủ động chia đàn. Việc tạo ong chúa đúng kỹ thuật sẽ giúp đàn ong có năng suất cao hơn.

1. Chọn ấu trùng

Việc tạo ong chúa nên tiến hành vào thời gian dồi dào mật và phấn hoa tự nhiên. Nên chọn đàn lấy ấu trùng (đàn mẹ) và đàn nuôi dưỡng có đặc tính tốt như đông quân, năng suất mật cao, ít bệnh tật, đàn ong hiền lành, định kỳ thay chúa 6-9 tháng/lần.

Đối với những hộ nuôi có ít đàn ong, có thể tạo ong chúa bằng các phương pháp sau đây:

- Sử dụng mũ ong chúa, chia đàn tự nhiên: Chọn đàn ong phát triển mạnh, cho ăn 2-3 bữa bằng nước đường, tỷ lệ 1:1, thêm cầu có nhộng già, rút bớt cầu cũ để ong tập trung hơn. Làm vậy đàn ong sẽ xây thêm mũ chúa sớm hơn để chuẩn bị chia đàn.

Chọn mũ chúa to, dài, thẳng, đẹp để làm giống. Khi mũ chúa già, dùng dao sắc cắt trên gốc mũ chúa 1,5cm rồi đem gắn vào đàn ong cần thay chúa.

- Tạo ong chúa bằng phương pháp cấp tạo: Chọn đàn ong phát triển mạnh để làm giống. Lấy cầu có trứng của ong chúa mới đẻ dùng dao cắt ziczac để ong xây các mũ chúa ở chố có ấu trùng tuổi nhỏ.

- Tạo ong chúa di trùng: Tách chúa khỏi đàn mạnh, không bị bệnh. Sau 2 giờ di ấu trùng 1 ngày tuổi vào các chén sáp gắn trên các thang của cầu tạo chúa, cho vào đàn đã bắt chúa. Cho đàn ong ăn thêm 3-4 tối. Sau 2 ngày vặt bỏ các mũ vừa tạo. Sau 9-10 ngày tách mũ chúa sử dụng.

Gắn các mũ chúa vào đàn ong mới chia hoặc đàn ong có chúa già cần thay, khoàng 10-12 ngày sau, chúa mới sẽ đẻ trứng. Nếu chúa tơ bị mất, cần thay thế mũ chúa khác hoặc nhập đàn lại.

2. Chuẩn bị đàn

Muốn có năng suất mật cao thì phải có đàn ong mạnh, đông quân, nhất là lớp ong ở lứa tuổi đi làm, ong không bị bệnh và bị chia đàn tự nhiên.

Việc chuẩn bị cho vụ mật cần chú ý những điểm sau đây: Cho ăn nước đường (tỷ lệ 1:1) trước vụ mật 30-40 ngày để kích thích ong thợ đi làm. Cho ong xây tầng mới để tăng chỗ đẻ trứng và chỗ chứa mật. Đổi cầu nhọn đàn ong mạnh cho đàn ong yếu để các đàn đồng đều, phòng chống chia đàn tự nhiên.

- Lưu ý: người nuôi ong cần luôn kiểm tra để duy trì con ong chúa tốt cho mỗi đàn. Khi ong chúa già cần được thay thế bằng cách kích thích để dàn ong tự tạo ong chúa mới hoặc đưa mũ ong chúa tốt từ đàn ong khác sang.

Ong chúa tốt có thân hình lớn, đẻ đều, đẻ nhiều trứng hằng ngày, tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Khi đàn ong đã phát triển đông đúc, chủ động tạo thêm mũ chúa đề đàn ong sớm sẽ thành 2 đàn một cách tự nhiên.

Trần Hằng (Theo vusta.vn)

Các tin khác