1. Lựa chọn địa điểm
Bà con chú ý không xây dựng trang trại ở gần đường giao thông và nới có đông người sinh hoạt, tránh xa nơi có nhiều mầm bệnh khó kiểm soát như chợ, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, nơi giết mổ gia súc gia cầm. Khi xây dựng chuồng nuôi cần làm thêm các khu vực phụ trợ gồm nhà ở, kho chứa, nơi vệ sinh trước khi vào chăn nuôi, cách xa chuồng nuôi tối thiểu 15m. Nơi chứa phân và xử lý xác chết đặt ở trong khu chăn nuôi và cách chuồng nuôi tối thiểu 20-30m. Xung quanh khu vực chăn nuôi phải có tường rào kín ngăn cách với bên ngoài, đảm bảo các gia súc khác và người lạ không được trong trại.
2. Thiết kế khu chăn nuôi
Chuồng nuôi làm theo kiểu thông thoáng tự nhiên với kích thước: chiều rộng 6-9m, chiều cao 3-3.5m ngăn thành ô, đảm bảo mỗi ô có thể nuôi từ 500-1.000 gà có độ tuổi 4-5 tháng. Mái chuồng lợp các vật liệu như ngói, tôn, lá tùy ý. Nền chuồng đầm kỹ láng xi măng cát có độ dốc thoải để thoát nước khi rửa nền sau khi bán gà. Xung quanh chuồng xây tường bao cao 40cm, phần còn lại căng lưới hoặc đang phên tre để tạo độ thoáng, bên ngoài căng bạt che mưa gió và mái hiên thoát nước. Phía trước mỗi cửa ra vào xây hố sát trùng. Diện tích chuồng đảm bảo nuôi nhốt được khi không thể thả gà ra ngoài với mật độ nuôi từ 6-7 con/m2.
Khi xây vườn, xung quanh phải rào chắn đảm bảo gà khi thả không bay hoặc chui ra ngoài. Diện tích thả tối thiểu 1m2/con, nhưng không thả quá 2m2/con. Vườn thả phải san lấp phẳng, tránh tạo thành vũng nước sau mưa, dọn sạch các loại cây bụi. Bà con có thể trồng cây ăn quả tạo bóng mát ở vườn, dành diện tích tạo các hố tắm cát trong vườn cho gà, mỗi hố dài 15m, rộng 4m, sâu 0,3m, chia thành các ô, mỗi ô rào lưới ngăn cách và áp dụng theo phương pháp chăn thả luân phiên theo từng ô, mỗi tháng thả vào 1 ô vườn, ô còn lại vệ sinh sát trùng.
Dụng cụ chăn nuôi gồm máng ăn, máng uống, quây úm, chụp sưởi… và các dụng cụ khác nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi gà. Bà con chú ý không dùng chung lẫn lộn với các mục đích khác. Các dụng cụ nên đảm bảo vệ sinh, dễ sát trùng sau mỗi lần sử dụng.
3. Thiết kế khu phụ trợ
Khu phụ trợ bao gồm nhà ở, kho chứa nguyên vật liệu, nơi vệ sinh trước khi vào chăn nuôi. Khu này phải đặt riêng bên ngoài khi chuồng nuôi và cần có hàng rào ngăn cách 2 khu với nhau.
Kho chứa thức ăn phải có nền cao ráo, thông thoáng, không dột hoặc bị mưa hắt vào và có các kệ để bảo quản. Phải bố trí phòng hoặc một chỗ riêng đảm bảo khô, sạch, thoáng để thuốc thú y, đặt tủ lạnh bảo quản vacxin và một số kháng sinh cần bảo quản lạnh. Nên bố trí thêm phòng vệ sinh tắm rửa, thay bảo hộ lao động (quần áo, ủng, khẩu trang, găng tay…) trước khi vào khu vực chuồng nuôi.
Trang Hà (Theo vusta.vn)