Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Thuật ngữ cày ải và làm giầm

Thứ Hai, 29/02/2016
Có không ít bà con nhầm lẫn về khái niệm “cày ải” với việc cày đất vùi gốc rạ sau khi gặt vụ trước. Hai khái niệm này đối với bà con nông dân miền Bắc hay miền Trung thì khá tinh thông, ai ai cũng biết. Vì vậy, đã từ lâu kỹ thuật làm đất này đã được đúc kết thành câu nói “Một hòn đất ải bằng một bãi phân”, hay “Ải nỏ bằng một giỏ phân”.

Lại có câu “Ải thâm không bằng giầm ngấu”. “Giầm” tức là cày lật đất rồi ngâm đất trong nước (cày xong cho thêm nước vào ngâm).

Nhưng đối với bà con ở các vùng sông nước mênh mông nên trường hợp cày đất phơi ải không phải là ở đâu cũng làm được nên có nhiều bà con chưa rõ và cho rằng cứ cày lật đất gọi là cày ải. Trong kỹ thuật làm đất để gieo cấy hay gieo trồng thì có 2 cách:
- Cày đất phơi thật kỹ, phơi khô cho đến trước khi làm đất lại để gieo trồng, màu đất từ nâu thẩm chuyển sang bạc trắng (gọi là “làm ải”)
- Cày đất ngâm nước thật kỹ, cho đến khi làm đất lại để gieo trồng gọi là “làm giầm”, trường hợp này phổ biến cho đất lúa ngập nước. Còn cày đất phơi kỹ vừa áp dụng cả cho làm lúa và làm cây trồng cạn (cây màu).

Tác dụng của phương pháp Làm ải và Làm giầm
Làm ải: Là cày lật đất phơi khô, phơi càng khô càng tốt (người ta gọi là ải nỏ). Vì sao vậy, vì trong đất vụ trước vừa thu hoạch (đặc biệt là thu hoạch lúa) đất ở dạng yếm khi, đất có chứa nhiều chất độc, kể cả rễ cây tươi. Nếu được phơi thì các chất độc sẽ bị phân giải, bay đi hay biến thành sản phẩm không độc, mặt khác các chất khó tiêu sẽ trở thành dễ tiêu (người ta gọi là khoáng hóa).
Khi cho nước vào, nước xâm nhập vào các kẻ hở làm đất bung ra, trở thành tơi xốp, làm đất cũng dễ, đất sẽ cung cấp cho cây nhiều chất dễ tiêu nên cây lúa sẽ chóng tốt. Những trường hợp trong quá trình phơi lại gặp mưa, đất không khô, độ ẩm đất còn cao, ta gọi là ải thâm, quá trình khoáng hóa diễn ra không thuận lợi, chất độc vẫn còn nhiều, đất không tơi, các chất dễ tiêu lại ít. Ta gọi ải thâm không bằng giầm ngấu.

Làm giầm: Là cày đất ngâm nước thật kỹ, ngâm liên tục sẽ tốt hơn là lúc ngập, lúc khô cạn nước.
Ngâm nước thì cần thời gian lâu hơn, các chất độc trong đất mới thuyên giảm và quá trình phân giải chất hữu cơ trong đất cũng cần dài hơn. Trường hợp này thực hiện khi không có điều kiện làm ải thuận lợi. Ví dụ, gặp vụ mưa liên tục hay gặp ruộng sâu không tháo nước được thì phải chuyển sang làm giầm. Trường hợp phơi ải gặp lúc nắng, lúc mưa hay gặp vùng đất thấp bị nước xung quanh rò rỉ vào làm đất không được khô ta gọi là ải thâm. Trường hợp này ta nói ải thâm thì không bằng giầm ngấu là như vậy.

Như vậy tùy theo điều kiện sinh thái, địa hình, mùa vụ mà quyết định áp dụng cách làm đất cho thích hợp. Những vùng khoảng cách thời vụ trước và sau quá ngắn, lại thường gặp mưa, cả làm ải và làm giầm đều khó thì phải tìm cách khác để khắc phục. Nhưng làm giầm vẫn là biện pháp dễ được lựa chọn. Trường hợp này, để làm giảm độc tố trong quá trình cây lúa còn non, thì vẫn không nên đốt rơm rạ, mà nên cắt rơm rạ ủ riêng tại gốc ruộng hay mang lên bờ làm nấm rơm rồi làm đất và bón thêm vôi, bón lân để làm giảm độc tố trong ruộng. Nhưng cũng phải cố gắng làm đất kỹ, cày bừa nhiều lần cho đất tơi cũng giảm được độc hại cho cây.

Đinh Liên (St)

Các tin khác