Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Thực hư tác dụng chữa bệnh ung thư của cây rau Sam

Thứ Tư, 31/07/2019
Sau những tin đồn chữa khỏi ung thư hoàn toàn nhờ lá đu đủ, cây lược vàng, cây bìm bịp… gần đây nhiều người lại cho rằng rau sam cũng có tác dụng chữa được căn bệnh hiểm nghèo này.

Tin đồn rau sam chữa bệnh ung thư

Rau sam là loại rau rất thông dụng ở nước ta, thường mọc như cỏ dại ở đồng ruộng, vườn tược. Muốn sở hữu một bó rau sam tươi ngon quả là điều không có gì quá khó khăn với mỗi chúng ta. Loại rau này rất dễ mọc.

Điều đặc biệt, nó không chỉ thích hợp với khí hậu nhiệt đới nước ta mà còn rất phổ biến ở khu vực châu Âu. Người Hà Lan thường sử dụng loại rau này để làm dưa muối chua, người Pháp lại thích chế biến rau sam thành những món ăn đặc biệt, trong khi người Mỹ có món rau sam trộn dầu dấm nổi tiếng thế giới…

Trong dân gian ta, rau sam cũng từng được sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, loại rau này không còn thông dụng để làm thực phẩm ăn hàng ngày, thậm chí nhiều nơi coi đó là một loại rau dại, không có tác dụng gì.

Thực tế, đây lại là loại rau chữa được rất nhiều bệnh khác nhau. Có thể nói, rau sam chính là một vị thuốc rẻ tiền mà bạn nên trân quý trong cuộc sống hàng ngày.

Nhưng liệu loại rau này có khả năng chữa được bệnh ung thư như nhiều người đồn thổi?

Theo nghiên cứu thành phần của cây rau sam, Viện Vệ sinh Dịch tễ cho thấy, rau sam có 1,4% protit, 3% gluxit, 1,3% tro, 85mg% canxi, 56mg% P, 1,5mg% Fe, 26mg% Vitamin C, 0,32mg% caroten, 0,03mg% Vitamin B1, 0,11mg% Vitamin B2 và 0,7mg% Vitamin PP.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, trong lá rau sam có chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do.

Nghiên cứu được thực hiện tại khoa Dược, Đại học Jordan cho thấy, sử dụng lá rau sam tươi đắp vào vết thương giúp vết thương nhanh kéo da non hơn bình thường.

Nghiên cứu tại Viện đại học Wollongong (Úc) và Trung tâm Di truyền - Dinh dưỡng - Sức khỏe Washington (Hoa Kỳ) thì cho rằng, 100g lá rau sam tươi chứa 300-400mg alpha-linolenic acid, 12,2mg alpha-tocopherol, 26,6mg ascorbic acid (vitamin C), 1,9mg beta-caroten và 14,8mg glutathione.

Điều đó khẳng định rau sam rất giàu dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và các axit béo không no. Trong Dược thư cổ của Anh, rau sam là phương thuốc chữa bí tiểu và đau khi đi tiểu do co thắt đường tiết niệu…

Mới đây, y học cổ truyền Trung Quốc có đưa ra ứng dụng chữa ung thư bằng cây rau sam. Điều này càng khiến dân tình xôn xao và hi vọng về một loại thuốc mới có khả năng ngăn chặn hiệu quả căn bệnh ung thư.

Vậy thực hư chữa bệnh ung thư bằng cây rau sam là thế nào? Nếu rau sam có tác dụng chữa bệnh ung thư thì hiệu quả đến đâu?

Rau sam chỉ có tác dụng sơ cứu và hỗ trợ bệnh nhân ung thư

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), rau sam còn có tên gọi khác là mã xỉ hiện, mã xỉ thái.

Trong thành phần hóa học của cây rau sam có chứa các chất như glucoxit, saponin, nhựa axit hữu cơ, các muối kali, vitamin A, B1, B2, PP, C… Ngoài ra trong rau sam còn chứa nhiều hydrat cacbon, chất béo, protit.

“Trong Đông y, rau sam có vị chua, tính lạnh, vào 3 kinh tâm, tì, phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủy, trừ thấp, cầm máu.

Qua thực nghiệm, rau sam làm co nhỏ mạch máu, nước sắc của rau sam có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn lị shiga-kruse, vi khuẩn lị hình chữ Y, trực khuẩn Coli, trực khuẩn thương hàn”, lương y Bùi Hồng Minh cho hay.

Theo ông, rau sam được dùng để chữa các bệnh do vi khuẩn lị gây ra như đi ngoài ra máu, viêm ruột cấp tính, viêm thận, cước khí, thủy thũng, viêm bàng quang, đại tiện khó khăn, ho gà, ho lâu ngày không khỏi, chữa giun kim, giun đũa, bệnh ngoài da, mụn nhọt, lở ngứa, chốc đầu, Eczema, trĩ ra máu, bạch đới khí hư và chảy máu tử cung ở phụ nữ.

Liều dùng thường là 30-60g rau sam tươi hoặc 15-20g rau sam khô, sử dụng ngoài da, tùy theo vị trí đắp to hay nhỏ để sử dụng cho đúng.

“Những người tì vị hư hàn, ỉa chảy, phụ nữ có thai, người bị bệnh sỏi thận không nên sử dụng (rau sam có nhiều canxi, sẽ tạo ra nhiều axit oxalic nên khiến bệnh nhân sỏi thận gặp khó khăn hơn trong điều trị bệnh”, ông Minh lưu ý.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ rau sam được vị lương y này đưa ra:

- Chữa lị trực khuẩn: Rau sam tươi 50-60g tươi hoặc 25g khô, vàng đắng 6g hoặc hoàng liên 6g. Sắc ngày uống 1 thang, có thể kết hợp với becberin sẽ có tác dụng chữa ỉa chảy rất tốt.

- Chữa giun kim: Rau sam tươi 50-70g, rửa sạch, vắt khô, lấy nước uống. Uống liên tục 3-5 ngày, có thể cho thêm một ít đường cho dễ uống.

- Chữa viêm thận cấp: Rau sam tươi 50-70g, biển súc 30g, hoàng bá 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Chữa hậu sản ra huyết: Rau sam tươi 200g hoặc khô 60g, sắc đặc, chia làm 2 lần, uống trong ngày.

- Chữa ngộ độc thuốc: Rau sam tươi 60g, giã nát hoặc xay sinh tố, vắt lấy nước uống, bã đắp rốn.

- Chữa ngứa âm đạo, trĩ: Rau sam tươi hoặc khô sắc lấy nước và ngâm rửa.

Riêng về tác dụng chữa ung thư, ông Minh cho hay, đúng là gần đây y học cổ truyền Trung Quốc có sử dụng rau sam trong lĩnh vực ung thư nhưng với mục đích sơ cứu và hỗ trợ bệnh ung thư mà thôi.

Do đó, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của rau sam không hề có tác dụng chữa khỏi bệnh ung thư. Cụ thể là loại rau này có tác dụng hỗ trợ điều trị một số loại u sau:

- Chữa u thực quản: Rau sam tươi 30g, nấu chín nhừ, thêm ít bột đậu nành để thành món cháo dưỡng sinh, có thể thêm chút mật ong trước khi ăn.

- Chữa u đại tràng: Rau sam 20g, phục linh 20g, bại tương thảo 20g, khổ sâm 20g, kê nội kim 20g, hoàng liên 8g, vàng đằng 12g, tam lăng 10g, huyền hồ 10g, xạ hương 4g, cam thảo 6g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.

- Chữa u trực tràng: Rau sam khô 10g, hoa mào gà 30g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.

Lương y Bùi Hồng Minh đặc biệt nhấn mạnh, mặc dù rau sam có rất nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng với riêng bệnh ung thư, loại rau này chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần nào đó chữa u chứ không thể coi là thần dược chữa bệnh ung thư.

Do đó, bệnh nhân ung thư không nên vì nghe đồn đoán, lời mách chữa bệnh truyền miệng mà sử dụng rau sam vô tội vạ để tránh làm tổn hại thêm sức khỏe.

Thanh Hoà (St)

Các tin khác