1. Tác dụng dược lý
Nước ta có nhiều loại mận khác nhau, nhưng được nhiều người ưa thích hơn cả vẫn là giống Mận Tam hoa hay Mận hậu Lào Cai. Quả mận khi chín chuyển từ màu xanh sang màu tím thẫm, có vị chua chát, tính bình, ăn ít thì bớt đau nóng khớp xương, nhưng khi ăn nhiều thì sẽ thấy sinh nóng âm ỉ trong bụng. Rễ mận có tính lạnh, nhân hạt mận có vị đắng, tính bình, hoa mận thơm, vị đắng, nhựa mận có vị đắng, tính lạnh, lá mận có vị chua, tính bình.
Trong y văn cũng miêu tả rất nhiều về quả mận như “Y lâm soạn yếu” nói mận dưỡng gan, làm tan chất đọng. Hay “Bản thảo cầu thực” cũng nói vị mận bổ gan, chủ yếu chữa trị các bệnh về gan, hầu hết các bệnh về gan đều hợp với quả mận. Đặc biệt là chứng nóng lâu ngày khó chữa, hay chứng khớp xương lao nhiệt, nhưng khi có chua đắng của mận ngấm vào tức khắc nhiệt gặp chất chua sẽ bị thu lại, gặp chất đắng bị hạ xuống và như vậy có thể làm bớt nhiệt.
2. Những bài thuốc từ cây mận
Để áp dụng trong trị liệu được kết quả, xin giới thiệu những phương thuốc từ cây, quả mận như sau, tùy điều kiện mà chọn lựa sao cho thích hợp.
Chữa khí hư, bạch đới: Lấy rễ mận 20-30g, sắc lấy nước uống, chia 2-3 lần trong ngày.
Chữa tàn nhang, sạm đen: Dùng hoa mận, giã nhuyễn, xoa xát vào vùng da bị tàn nhang, hay da sạm, có thể chỉ sau 5 phút đã làm da sáng ra.
Chữa trẻ sốt cao co giật: Lấy 20-30g lá mận sắc lấy nước uống.
Chữa mắt sưng đau: Dùng bột hạt mận 1-2g, sau đó uống với nước sắc hoặc hãm từ hạt muồng sao sẽ hiệu quả.
Chữa phiền khát, hơi cuộn đau lên từ phía dưới tim, bệnh lỵ, bạch đới: Mận quả 20-30g sắc lấy nước uống.
Trị sưng phù gan, Chữa vết thương do bọ cạp cắn: Dùng nhân quả mận đắng, giã nát nhuyễn như bùn, rồi bôi xát vào nơi bọ cạp cắn sẽ khỏi.
Giải nhiệt, sinh nước bọt, bổ âm (dùng cho các bệnh tiêu khát, nội thương do vị âm không đủ, hoặc dùng cả cho trường hợp các chứng bệnh tiêu hao như kết hạch, cơ năng sinh lý tuyến giáp trạng quá mức bình thường, ung thư): Lấy 10 quả mận tươi, tách bỏ hạt, lấy cùi, thái nhỏ, sau dùng vải sạch vắt lấy nước cốt uống, mỗi lần uống 50ml, ngày cần uống 3 lần.
Lưu ý: Những người tỳ vị yếu không ăn nhiều, kể cả những người khỏe mạnh bình thường nếu ăn nhiều mận cũng gây tổn hại đến tỳ vị.
Thu Hoài (Theo Sức khỏe và Đời sống)