1. Trị ho cho trẻ em:
Lấy hoa đu đủ đực (loại vừa mới chớm nở) từ 10 - 20g. Sau trộn với đường kính hoặc mật ong càng tốt. Đem hấp cơm trong 15 đến 20 phút là được. Lấy ra dùng thìa nghiền nát nhuyễn, rồi chia ra 2 - 3 lần cho trẻ uống trong ngày. Uống cùng với nước sôi để nguội, vài ba ngày sẽ khỏi.
2. Ho kèm theo mất tiếng (viêm họng thanh quản):
Hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g. Để tươi rồi nghiền nát cả 3 thứ, sau đó hòa với 20ml nước lọc, cho thêm chút mật ong hoặc đường kính cho uống 2 - 3 lần trong ngày. Cần uống như vậy 2 - 3 ngày liền.
3. Ho nhiều do viêm họng:
Hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, mạch môn đông (củ) 10g, húng chanh (tần dày lá) 10g. Cho tất cả các vị trên (đã rửa sạch) cùng chút muối ăn vào bát và đem hấp cơm chừng 15 - 20 phút. Lấy ra nghiền nát, rồi chia ra cho ngậm trong 2 - 3 lần trong ngày, cần nuốt từ từ cho thuốc tác dụng trực tiếp vào nơi họng viêm.
4. Trị ho gà:
Hoa đu đủ đực 50g, dây tơ hồng 50g, rau má 35g, lá xương sông 20g, lá hẹ 15g. Tất cả sắc với 1.500ml nước, còn lại 500ml, thêm 75g đường kính, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 100ml.
5. Chữa đái rắt, đái buốt, đau niệu đạo, nước tiểu ít và đỏ:
Hoa đu đủ đực (hoặc quả của cây đu đủ đực lưỡng tính) 40g, lá bạc thau 60g, đậu đen 40g, phác tiêu 4g. Sắc lấy nước đặc, chia 3 lần uống vào lúc đói bụng.
6. Chữa tưa lưỡi ở trẻ:
Lấy quả đu đủ đực thái nhỏ phơi khô, tán bột mịn, cùng với gốc cây mây (lấy chỗ mọc khô ráo), rồi đốt thành than, tán bột. Trộn hai loại bột này với nhau với tỷ lệ 3 phần bột quả đu đủ đực, 1 phần bột gốc mây. Sau đó lấy tăm bông chấm thuốc bôi hàng ngày đánh trên lưỡi trẻ bị tưa.
7. Chữa rắn cắn:
Rễ đu đủ đực 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt, tất cả giã nhỏ cho nước vào trộn đều gạn nước cho người bị rắn cắn uống. (Lưu ý chỉ sử dụng kết hợp hay đơn độc khi điều kiện của y tế không có, vì có những loại rắn cực độc có thể tử vong ngay chưa kịp đưa đến cấp cứu, trị liệu).
Ngọc Anh: (Theo nguồn Báo Nông nghiệp)