Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Trồng cây nắp ấm triệt muỗi mùa hè

Thứ Năm, 21/05/2015
Trồng nắp ấm là thú vui đang rộ, vì loài cây đặc biệt này vừa được dùng trang trí nhà cửa, bắt các côn trùng có cánh nhỏ lại vừa có tác dụng làm thuốc.

Cây nắp ấm, thuộc họ Nepenthaceae, còn được gọi là cây nắp bình. Loài cây này có kỹ thuật trồng đơn giản. Nắp ấm có hơn 130 loài và nhiều loại lai tạo trong tự nhiên hoặc được con người lai tạo có chủ đích nhằm tạo ra nhiều giống cây mới có hình dạng, màu sắc ấm độc đáo.

Người trồng nên dùng chậu nhựa hoặc sứ, tránh dùng chậu đất nung vì dễ thoát hơi nước nhanh. Ảnh: VietQ.vn

Nắp ấm phân bố nhiều nhất ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các giống cây nắp ấm to và hình dạng độc đáo, màu sắc đẹp chủ yếu ở Indonesia, Malaysia còn Việt Nam chỉ có vài loài đặc hữu như mirabilis, smillesii, thorelii, kampotiana. Hình dạng và màu sắc của cây nắp ấm ở Việt Nam không nổi bật so với nắp ấm ở nước khác. Người chơi cây có thể trồng nắp ấm bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành, chiết cành.

Kỹ thuật trồng cây nắp ấm

Nắp ấm thích nơi rộng rãi nên cần được trồng trong chậu to để cây thoải mái sinh trưởng. Người trồng nên dùng chậu nhựa hoặc sứ, tránh dùng chậu đất nung vì dễ thoát hơi nước nhanh.

Hỗn hợp chất trồng gồm xơ dừa, cát tỉ lệ 1:1 hay 2:1 hoặc dớn trắng có nguồn gốc là một loại rêu sống trên đầm lầy. Ngoài ra, người trồng nên chú ý đảm bảo độ thông thoáng và độ ẩm cho chất trồng. Nên thay chất trồng hàng năm cho cây vì xơ dừa rất dễ bị mục rã.

Nắp ấm thích ánh sáng và khi được cung cấp đủ lượng ánh sáng sẽ cho màu rất đẹp. Người trồng có thể phơi cây ngoài nắng gắt nếu như đã được tập thích nghi trước.

Nắp ấm có thể sống với độ ẩm thấp nhưng nếu người chơi trồng vì mục đích làm hoa trang trí thì cần tạo độ ẩm cao cho cây. Độ ẩm cao, lý tưởng nhất là khoảng 70%, là yếu tố quan trọng giúp cây tạo ấm. Người chăm cây có thể dùng những loại nước bình thường, lượng dinh dưỡng thấp hoặc vừa đủ.

Là loài cây sinh trưởng ở những vùng nghèo dinh dưỡng nên việc phát triển bản năng săn mồi trở thành nguồn sống cơ bản của cây. Vì vậy, việc bón phân cho cây là không cần thiết. Nếu muốn chăm sóc kỹ cho cây, người trồng chỉ việc thu hút thêm côn trùng để cây có thể bắt mà không cần phải mớm mồi. Ngoài ra, tránh việc cho cây ăn những thức ăn nhanh ôi, hỏng hoặc có quá nhiều đạm vì có thể dẫn đến ấm bị héo. Các nguyên tắc về ánh sáng, độ ẩm, nước tưới, phân bón trên đây cũng được áp dụng tương tự với một số loại cây “ăn thịt” khác như cây bắt ruồi Venus flytrap, rắn hổ mang.

Công dụng của cây

Ngoài tác dụng làm cây cảnh trang trí, bắt ruồi, muỗi, cây nắp ấm còn là một vị thuốc trị tiêu chảy, phòng chống gan nhiễm mỡ và sỏi thận hiệu quả. Ở Trung Quốc, cây nắp ấm còn được dùng để trị viêm gan hoàng đản, đau loét dạ dày - tá tràng, sỏi niệu đạo, bệnh đường tiết niệu, cao huyết áp, đái tháo đường, cảm mạo, ho gà, ho, khái huyết (ho ra máu).

Thu Hằng (Theo Vusta)

Các tin khác