Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Trồng su hào chịu nhiệt

Thứ Tư, 30/10/2019
Su hào là một giống cây trồng thân thấp và mập của cải bắp dại, được chọn lựa vì thân mập, gần như có dạng hình cầu, chứa nhiều nước của nó. Su hào được tạo ra từ quá trình chọn lọc nhân tạo để lấy phần tăng trưởng của mô phân sinh ở thân, mà trong đời thường được gọi là củ. Nguồn gốc tự nhiên của nó là cải bắp dại.

Mùi vị và kết cấu của su hào là tương tự như của thân cải bông xanh hay phần lõi của cải bắp, cả hai loại này là cùng loài với su hào, nhưng khác nhóm giống cây trồng, nhưng nhẹ hơn và ngọt hơn, với tỷ lệ phần cùi thịt/vỏ cao hơn. Ngoại trừ nhóm giống Gigante, thì các giống su hào trồng vào mùa xuân ít khi có kích thước trên 5 cm, do chúng có xu hướng bị xơ hóa, trong khi đó các giống trồng vào mùa thu lại có thể có kích thước trên 10 cm; giống Gigante có thể có kích thước lớn hơn mà vẫn giữ được chất lượng tốt để ăn.

Su hào có thể ăn sống cũng như được đem luộc, nấu. Su hào chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa cũng như chứa các chất như selen, axít folic, vitamin C, kali, magiê và đồng.

Trồng rau su hào trái vụ, cho năng suất và giá thành cao, đang được nhiều nông dân Việt tiên phong áp dụng.

1. Giống

Sử dụng các giống su hào chịu nhiệt như B40 - Hàn quốc, Winner - Nhật.

2. Thời vụ

Vụ sớm gieo hạt từ tháng 7, trồng tháng 8 đến tháng 9.

3. Vườn ươm cây giống:

Chọn nơi đất cao, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ hoặc cát pha để gieo hạt. Làm đất thật nhỏ tơi xốp, lên luống cao 0,3 m, rãnh rộng 0,3 m, mặt luống rộng 0,9-1 m. Bón lót bằng phân chuồng mục từ 1,5-2 kg/m2. Hạt giống su hào chịu nhiệt thường đắt hơn 3-4 lần su hào chính vụ nên để tăng hiệu quả cần gieo hạt theo rạch, rạch cách rạch 7- 10 cm, cây cách cây 5-7 cm. Sau khi gieo hạt rắc một lớp trấu hoặc rơm rạ lên trên và tưới nước bằng ô doa đủ ẩm mỗi ngày 1 lần. Khi cây mọc thì bóc lớp rơm rạ trên mặt luống và tưới đủ ẩm thường xuyên cho cây. Để hạn chế thiệt hại về cây con cần làm vòm, che lưới đen ngay sau khi gieo hạt. Trước khi nhổ cây tưới đủ ẩm để hạn chế đứt rễ.

4. Mật độ trồng

Mặt luống rộng 0,8 m, cao 0,3 m, hàng cách hàng 40 cm; cây cách cây 35 cm đảm bảo mật độ là 5,5 vạn cây/ha.

5. Phân bón và cách bón:

Có thể dùng phân bón lá phun đều cho cây vào 3 đợt nằm trong khoảng giữa thời gian bón phân trên.

6. Tưới nước, chăm sóc:

Giai đoạn cây con mới trồng cần tưới đủ ẩm mỗi ngày 1 lần, khi cây hồi xanh 2-3 ngày tưới 1 lần. Có thể tưới tràn vào rãnh cho cây, khi đủ ẩm phải tháo hết nước ngay. Nên kết hợp việc tưới nước với các lần bón thúc phân vô cơ. Cần xới xáo, vun gốc được 2-3 lần. Thường xuyên nhặt sạch cỏ dại, loại bỏ lá vàng, lá sâu bệnh.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp cho cây. Thường xuyên phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời.

Phun bắt buộc bệnh lở cổ rễ ở giai đoạn cây con 2-3 lần bằng các loại thuốc trừ bệnh có trong danh mục cho phép. Từ 15 đến 20 ngày sau trồng, nếu có sâu tơ có thể phun 1-2 lần bằng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Nếu sâu bệnh phát triển thành dịch, có thể dùng các loại thuốc hoá học cho phép để phòng trừ theo đúng hướng dẫn của chuyên môn. Thời gian cách ly của thuốc trước thu hoạch 10-15 ngày.

8. Thu hoạch

Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, từng vụ và thấy mặt củ đã bằng, lá non dừng sinh trưởng thì thu hoạch: kéo dài thêm sẽ già, nhiều xơ, giảm phẩm chất.

Khi thu hoạch lưu ý thu vào buổi sáng sớm, khi chặt bỏ phần rễ cần tránh để xước phần vỏ củ, nếu xước vỏ củ sẽ dễ bị thối hoặc nhanh có xơ. Để bảo quản được lâu và vận chuyển dễ dàng nên chặt bỏ phần lá già, chỉ để lại 2-3 lá non trên cùng.

Thanh Hòa (St)

Các tin khác