Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Trồng và chăm sóc Dứa đạt hiệu quả cao

Thứ Năm, 25/06/2020
Dứa là loài cây dễ trồng, thích hợp với điều kiện thời tiết ấm áp, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên dược bà con ưa chuộng.

1. Xác định thời vụ trồng

Thời vụ trồng Dứa phụ thuộc vào điều kiện khí hậu từng vùng khác nhau, có liên quan mật thiết đến chất lượng chồi giống và thời gian ra hoa. Ở miền Bắc có 2 thời vụ trồng chủ yếu là vụ Xuân (tháng 3-4) và vụ Thu (tháng 8-9). Ở miền Nam nên trồng vào đầu mùa mưa, từ tháng 4-6. Riêng ở miền Trung nên trồng vào 2 thời gian là tháng 4-5 và tháng 10-11.

2. Chọn và xử lý đất trồng

Đất trồng Dứa cần có kết cấu nhẹ, đảm bảo thoát nước tốt, mực nước ngầm thấp và hơi dốc. Với yêu cầu này, các vùng đồi thoai thoải của trung du phía Bắc và Đông Nam Bộ đựơc coi là vùng đất “lý tưởng” cho cây Dứa. Ngoài ra, cần chú ý độ chua của đất. Nhóm Dứa Cayen ít chịu chua hơn các nhóm Queen và Spanish.

Ở các nông trường có diện tích trồng lớn, người ta thiết kế lô trồng theo kiểu bàn cờ, có trục đường chính cho xe cơ giới và hệ thống đường ngang cho xe thô sơ và người đi.

3. Chuẩn bị ươm trồng

Xử lý chồi trước khi trồng nhằm mục đích cho cây mau bén rễ phát triển và phòng ngừa sâu bệnh. Tiến hành cắt bỏ các lá khô ở gốc, sau đó nhúng ngập 1/3 chồi từ phía gốc vào dung dịch thuốc sâu Pyrinex, Basudin, Vomoca, Oncol… để phòng trừ rệp và tuyến trùng hại rễ, hoặc ngâm chồi trong nước nóng 550C (3 sôi + 2 lạnh) trong 15-20 phút.

4. Tiến hành trồng

Để dễ đi lại chăm sóc và thu hoạch, dứa thường được trồng theo hàng kép, tức là trồng thành từng băng 2 hàng một. Khoảng cách giữa các băng khoảng 80 cm, giữa 2 hàng trên băng là 40 cm, trên hàng cây cách nhau 30 cm, với cách trồng và khoảng cách này, mật độ khoảng 55.000 cây/ha. Để tăng mật độ trên 60.000 cây/ha, trên một băng có thể trồng 3 hàng, khoảng cách giữa các hàng cũng là 40 cm.

5. Chăm sóc

Dứa tuy là cây chịu hạn khá, có thể trồng trọt ở những nơi đất khô cằn và các vùng đất dốc nhưng vẫn rất cần nước để sinh trưởng phát triển, cho năng suất cao và phẩm chất tốt. Bên cạnh đó, tỉa chồi là biện pháp cần thiết để tăng năng suất quả, nhất là với các giống nhóm Queen và Spanish thường ra nhiều chồi, tranh chấp dinh dưỡng của quả. Việc tỉa chồi cuống tương đối đơn giản, chỉ cần dùng tay hoặc dao tách nhẹ ra khỏi cuống từ phía trên xuống. Chồi cần tỉa bỏ trước hết là chồi ngọn và chồi cuống vì những chồi này không dùng làm giống. Riêng với chồi ngọn nếu bẻ trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến quả, tạo ra vết thương dễ làm thối quả, nếu không cẩn thận có thể làm gãy cả quả.

6. Thu hoạch

Cây dứa có thời vụ chín rất tập trung trong một thời gian ngắn nên thường gặp một số khó khăn về nhân lực và phương diện vận chuyển. Vì vậy bà còn có thể áp dụng phương pháp rải vụ để hiệu quả kinh tế cao hơn.

Quỳnh Trang (Theo vusta.vn)

Các tin khác