Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Văn hóa chào hỏi nơi công sở

Thứ Hai, 22/12/2014
Mỗi ngày, một người có thể có nhiều mối quan hệ giao tiếp như gia đình, nhà trường, công sở và ngoài xã hội, được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Giao tiếp tốt sẽ mang lại hiệu quả tốt, đó là lẽ đương nhiên! Trong giao tiếp có nhiều yếu tố cấu thành mà trong đó, bắt tay chào hỏi là khâu đầu tiên phải làm. Vì thế mỗi người phải học cách chào hỏi để mọi người có ấn tượng tốt đẹp về mình ngay từ buổi gặp đầu tiên. Tạo được thiện cảm trong giao tiếp, sẽ dễ dàng thực hiện được nhiều điều mong muốn.
 

Ông bà ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, và bao đời nay lời chào trở thành nét đẹp văn hóa trong giao tiếp của người Việt Nam. Khi con trẻ nói lời bập bẹ, người lớn đã dạy bé vòng tay, cúi đầu, vâng dạ; khi đi học, trẻ đã được dạy “đi thưa, về chào”; khi ra trường đi làm mọi người cũng học tập lẫn nhau cách thức chào hỏi để gây ấn tượng.

Tại công sở, những giá trị văn hóa của lời chào được nâng lên như một nghệ thuật trong giao tiếp, nó không chỉ biểu hiện sự tôn trọng những người xung quanh mà là tôn trọng chính mình. Nhưng chào hỏi thế nào cho đúng phép lịch sự? Ai phải chào hỏi trước? Bắt tay như thế nào mới đúng cách? Lời chào hỏi phải thế nào?....Đó là những câu hỏi thông thường và câu trả lời đã được cha ông ta đúc kết thành phép tắc trong xã giao, chào hỏi.

Thông thường, khi gặp nhau, người phải mở lời chào trước là nam giới; cấp dưới phải chào cấp cấp trên; người trẻ phải chào người già; người mới đến chào người đến trước; người từ bên ngoài vào chào người trong phòng. Chào hỏi thường đi đôi với cái bắt tay và nụ cười. Bắt tay cũng phải đúng cách. Không nên đưa tay ra bắt khi thủ trưởng, phụ nữ hoặc người lớn chưa chìa tay ra. Khi bắt tay nên nắm chặt tay và không nên bóp, lắc hoặc khoèo ngón tay vào lòng bàn tay người đối diện; không khúm núm khi bắt tay với cấp trên. Trong chào hỏi phải thể hiện sự thân thiện, lời chào nên đi kèm với nụ cười. Nở nụ cười với ai, coi như mình đã gieo được tình cảm với người đó.

Trong trường hợp khách là cấp trên từ bên ngoài vào phòng hoặc đi dự hội nghị thì người chủ trì nên ra tận cửa đón tiếp, nếu chưa phân công ai đó đứng đón tiếp, hướng dẫn từ sảnh đường. Khi cấp trên, thủ trưởng cơ quan, người lớn tuổi hoặc những người giao tiếp lần đầu tiên từ ngoài vào phòng, hãy đứng lên bắt tay, chào hỏi để tỏ thái độ tôn trọng. Khi thủ trưởng đi cùng khách thì phải chào cả thủ trưởng và khách. Khi thủ trưởng đi ra khỏi phòng thì cấp dưới cũng nên đứng dậy chào. Ở nhiều nước, khi thủ trưởng bước vào hội trường chủ trì cuộc họp thì mọi người cùng đứng lên, vỗ tay chào một cách trân trọng. Cách đứng dậy chào đông người ở nước ta chỉ có trong trường hợp học sinh chào thầy giáo đầu giờ học, các tín đồ chào người giảng đạo, các thành viên trong cuộc họp chào lãnh tụ hoặc những người đáng kính. Ở ta không có thói quen đứng dậy chào người chủ trì, bởi thế để tỏ thái độ tôn trọng, mọi người nên yên lặng, cùng hướng ánh mắt về phía người chủ trì như mong muốn được lắng nghe nội dung cuộc họp.

Mở rộng ra, không chỉ khi có quan hệ, làm việc hoặc giao tiếp mới chào hỏi mà tuỳ theo hoàn cảnh gặp gỡ cũng nên mở lời cho phải phép. Khi vào cơ quan nào đó để liên hệ công tác mà từ người bảo vệ đến nhân viên đều mỉm cười, hỏi han và chỉ bảo cặn kẽ thì chắc chắn mọi người đều có thiện cảm với cơ quan đó. Ngược lại, mỗi khi bước vào cơ quan trước tiên chúng ta cũng nên chào hỏi những người bảo vệ, chỉ một nụ cười, một cái gật đầu cũng đã thể hiện được tôn trọng, quan tâm lẫn nhau. Những người đã từng quen biết, khi gặp nhau ở nhà giữ xe hoặc đối diện nhau trên hành lang, lối đi thì cũng nên chào hỏi, nếu không thì cũng mĩm cười chào, thay vì cúi mặt, làm ngơ hoặc giả vờ không nhìn thấy. Nếu trong cơ quan có người không mấy thiện cảm với chúng ta thì chúng ta phải chủ động chào trước nhằm gây thiện cảm với người đó, xua tan sự lạnh  nhạt và căng thẳng không đáng có.

Bậc thầy trong giao tiếp được mọi người kính phục và tôn trọng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Người luôn có phong thái đặc biệt trong giao tiếp, thể hiện sự giản dị, gần gũi, ân cần, tế nhị và chu đáo với bất kỳ ai. Người xử lý một cách khéo léo các tình huống giao tiếp xảy ra và luôn tạo ra một không khí hoà đồng, xóa đi những cách biệt, những suy nghĩ tự ti của người dân trước lãnh tụ và đưa lại không khí tự nhiên vốn có giữa con người với con người.

Tiếng chào, lời thăm hỏi luôn được coi trọng và được xem như là một tiêu chí văn hóa của cá nhân. Rất nhiều những câu chào hỏi chỉ mang tính xã giao, là lời mở để bắt đầu câu chuyện, nhưng nếu không như vậy thì mọi cuộc giao tiếp sẽ trở nên tẻ nhạt. Ngoài ra, còn có việc chào hỏi qua điện thoại, qua thư điện tử mà mỗi người có phong cách xử lý riêng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước việc chào hỏi trở thành một nếp quen. Và có thể nói, chào hỏi ở công sở trở thành công cụ thể hiện tình cảm, sự gần gũi, nuôi dưỡng mối đoàn kết trong nội bộ tổ chức và mỗi cá nhân. Trong thực hiện công vụ, giao tiếp với  công dân chào hỏi và thái độ chào hỏi niềm nở thể hiện rõ trình độ, phẩm chất của người cán bộ. Khổng Tử dạy rằng: Người quân tử, lúc yên không quên lúc nguy, lúc còn không quên lúc mất, lúc thịnh không quên lúc loạn thế mới yên được thân. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức cần giữ gìn văn hóa công sở bằng lời ghi nhớ: “Hãy chào mọi người bằng nụ cười!”.

Ths. Trần Ngọc Mai

Các tin khác