Đối với người Việt, bữa cơm chính là chiếc gương phản chiếu hạnh phúc gia đình. Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con lại ăn ở lớp học bán trú. Cả ngày chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, bố mẹ ở cơ quan xí nghiệp có chuyện gì đáng lưu ý... Tất nhiên, lúc ăn nên nói để tránh quá ồn ào... Nhưng rõ ràng bắt đầu bữa cơm là chuyện trò rôm rả và sau bữa cơm lại những câu chuyện dài hơn. Rồi sau đó con cái đi học bài, đi ngủ sớm, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, xem ti vi mỗi người một việc. Do vậy, nếu không có những phút tụ tập cả gia đình xung quanh mâm cơm thì họ không còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để hàn huyên kể chuyện. Cũng vì vậy đến bữa ăn, khi thiếu một thành viên nào, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm...
Ông cha ta thường nói bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng điều quan trọng là cơm dẻo canh ngọt: mùa hè có bát canh cua nấu với rau đay, mùng tơi ăn kèm với quả cà pháo sao mà ngon thế? Mùa đông thì cơm nóng canh sốt, bữa cơm tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, không phải cao hương, mỹ vị nhưng những người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ biết quan tâm tới gia đình và quan tâm đến sở thích của các thành viên trong gia đình, điều đó đã tạo nên một mâm cơm ngon ngọt cho các thành viên trong gia đình.
Ngoài việc là lúc sum họp của gia đình, bữa ăn còn là lúc để hướng con trẻ cách sống, đạo đức, biết nhường nhịn, có món gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau toả rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng. Dạy lớp trẻ về ăn uống là truyền thụ cho chúng cả một nền văn hóa.
Trong cách ăn, người Việt ta ăn tế nhị, ăn lễ phép. Câu "ăn trông nồi ngồi trông hướng" đã nói lên tất cả điều đó. Bưng bát cơm lên người dưới phải lễ phép mời người trên, cách ngồi cũng theo thứ tự trên dưới. Người Việt biết "nhịn miệng đãi khách". Cách ăn của ta còn là ăn cộng đồng: không phải là cách ăn cá biệt cá nhân, mỗi người một bát cơm nhưng có một bát canh, một bát nước mắm... ở giữa.
Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn giản như thế. Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy, thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Những món ăn không phải cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu cần phù hợp với sở thích các thành viên, vừa với túi tiền gia đình, vừa sạch sẽ, ngon lành, biết đổi món ăn cho phù hợp với thời tiết nóng, lạnh. Không chỉ chú ý đến sở thích của các thành viên mà quan tâm lưu ý đến sức khoẻ từng người, gặp lúc ốm đau, mệt mỏi, đau bụng, tiêu hoá không tốt... để mỗi thành viên ngồi vào mâm cơm thấy có thể ăn một chút gì đó dù ốm đau (cháo, mì cho người ốm...) khiến họ rất cảm kích trước sự chăm nom, săn sóc của gia đình, đặc biệt của người vợ, người mẹ.
Tổ chức tốt bữa ăn thường ngày trong gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khoẻ cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc những lại đáng quý trọng biết bao./.
Thảo Ngọc