Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Cắt Pulley A1 qua da điều trị bệnh ngón tay cò súng

Thứ Sáu, 29/09/2017
Sinh năm 1978, hiện tại BS.CKI Trần Cao Thượng đang là Phó chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân Y 5, tỉnh Ninh Bình. Đến gặp và nghe anh kể về quá trình làm việc, tìm tòi tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu mới thấy anh tâm huyết với nghề như thế nào. Anh cùng với BS.CKII Đặng Đức Tâm và BS.Trần Sơn Tùng là tác giả của giải pháp tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh “Cắt pulley A1 qua da điều trị bệnh ngón tay cò súng”.

Bệnh ngón tay cò súng (Trigger finger) là tình trạng viêm bao gân gấp, khiến gân bị “kẹt” ở pulley A1 làm cho ngón tay bị mắc ở tư thế  gấp giống ngón tay đang bóp cò súng phải dùng ngón tay khác kéo hoặc bệnh nhân cố gắng duỗi thì ngón tay mới đuỗi ra được. Một số tác giả gọi là bệnh ngón tay lò xo.

Tình trạng gân gấp hoặc pulley A1 bị viêm

Bệnh ngón tay cò súng thường gặp ở những người thường xuyên nắm một vật chắc trong tay như thợ điện, nhạc sĩ, giáo viên… nguy cơ cao hơn nếu mắc đái tháo đường, viêm đa khớp, nữ gặp nhiều hơn nam. Bệnh nhân có thể bị một hoặc nhiều ngón tay, các ngón tay đều có nguy cơ bị bệnh.

Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là bệnh nhân đau ở vị trí bị “kẹt” (khớp bàn ngón tay) và ngón tay “mắc” không duỗi ra được. Khi cần duỗi bệnh nhân phải cố gắng hoặc dùng ngón tay khác kéo ra, bệnh nhân đau ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Điều trị bệnh ngón tay cò súng có nhiều phương pháp và mỗi phương pháp  có ưu nhược điểm nhất định. Nhận thấy những lợi thế của giải pháp này như: Chi phí thực hiện kỹ thuật chỉ khoảng 50.000 đồng, đỡ tốn kém hơn mổ mở nhiều lần. Kỹ thuật gây tổn thương ít không cần thay băng cắt chỉ, dùng kháng sinh dự phòng là được. Chỉ 1 đến 2 ngày sau khi thực hiện kỹ thuật bệnh nhân có thể  vận động và sinh hoạt bình thường. Kỹ thuật mang tính thẩm mỹ cao vì không để lại sẹo như mổ mở, vết thương để lại chỉ bằng đầu kim 18G và 24 giờ đã liền và gần như không nhìn thấy sẹo. Mà hiện tại ở trong nước chưa có bệnh viện nào đưa vào áp dụng “Cắt pulley A1 qua da điều trị bệnh ngón tay cò súng” anh bắt tay vào nghiên cứu các hướng dẫn và sách nước ngoài, những ngày tự tìm đọc tài liệu đó không hề đơn giản. Anh tâm sự: “Chỉ cần mình dịch và hiểu sai một từ thôi thì khi áp dụng thực tế đã dẫn tới hậu quả khôn lường, Y học nó khó thế đấy”. Cùng với hai đồng nghiệp của mình, tác giả đã chia nghiên cứu ra nhiều giai đoạn: tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu giải phẫu, thực nghiệm trên động vật, trên tiêu bản và trên người, hoàn thiện kỹ thuật và tổng kết thành quy trình. Các tác giả bắt tay vào tiến hành giải pháp cắt pulley A1 qua da bằng kim 18G điều trị bệnh ngón tay cò súng theo nguyên tắc điều trị ngoại khoa bệnh này là cắt để ngỏ pulley A1 giải phóng gân bị kẹt.

Tê tại chỗ bằng liocain 2% liều lượng phù hợp. Dùng kim 18G chọc vào vị trí khớp bàn ngón và cắt Pulley A1 qua da theo chiều trên dưới. Chọc kim qua da vào tổ chức phần mềm thấy “hẫng” tay khi thấy nặng tay cảm giác kim bị cản lại thì dừng lại vì đã chạm vào pulley A1. Cắt pulley A1 sao cho dao động đầu kim khoảng 2mm theo các chiều trên dưới, trước sau và chiều dài cắt bằng chiều dài pulley A1 khoảng 8-10mm. Sau đó rút kim ra và yêu cầu bệnh nhân gấp duỗi ngón tay nếu bình thường không bị mắc lại nữa là đã đạt được kết quả.

Đây là giải pháp có hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt. Và thật đáng mừng là kể từ khi áp dụng vào thực tế trong bệnh viện từ năm 2014 đến nay cho 115 bệnh nhân, kết quả đạt 100% khi rút kim ra bệnh nhân thấy được ngay kết quả, ngón tay vận động không bị kẹt. Tỷ lệ tái phát 0% với thời gian theo dõi bệnh nhân lâu nhất là 32 tháng, ít nhất là 20 ngày. Giải pháp đã được triển khai thành công tại Bệnh viện Quân y 5 và các cơ sở quân y thuộc tuyến, có thể phổ biến rộng rãi tại các cơ sở y tế trên địa bàn, ngay cả các phòng khám tư nhân có thể triển khai vì kỹ thuật khá đơn giản. Áp dụng kỹ thuật  này không cần phòng mổ chỉ cần phòng kỹ thuật là được, bệnh nhân từ chỗ phải ở nội trú nếu mổ mở thì nay có thể ngoại trú.
Với những ý nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như thế, giải pháp đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và lựa chọn là 1 trong 10 giải pháp đưa đi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14.

Bích Đào

Các tin khác