Từ những lý do đó mà chế phẩm sinh học ĐTH được ra đời, chế phẩm sinh học ĐTH đã xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón cho nông nghiệp sạch là sản phẩm tổng hợp các men vi sinh vật hữu ích (Efofective Microorganisms – Viết tắt là EM). Trong đó tiêu biểu là vi sinh vật phân giải xenlulo, vi sinh vật cố định ni tơ, vi sinh vật phân giải photpho thành lân dễ tiêu giúp cây trồng hấp thu được, các chủng vi sinh vật đối kháng với các vi sinh vật gây hại, các vi sinh vật khử mùi hôi, các chất axit amin tổng hợp...
Chế phẩm sinh học ĐTH xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón được điều chế thành 2 dạng để phù hợp với từng lĩnh vực sử dụng: dạng bột và dạng nước. Dạng bột được sử dụng trong hầu hết các chất thải hữu cơ thành phân bón, được trộn với thức ăn cho vật nuôi giúp tiêu hóa rất tốt dinh dưỡng trong thức ăn. Dạng nước dùng để xử lý nước thải, khử mùi, làm sạch môi trường, chuồng nuôi, ao nuôi...
1. Chế phẩm dạng bột được điều chế như sau:
- Chuẩn bị môi trường nhân men, gồm có: phòng nuôi cấy khoảng 2-3m2. cám gạo 10kg, đường mía 700g, nước sạch 4,5kg, men gốc 100g.
- Dụng cụ điều chế, gồm: thùng nhựa 50 lít, đũa khuấy có thể dùng muôi inox cán dài, tất cả được sát trùng bằng cồn 700.
- Các bước tiến hành: cho đường vào nước rồi đun sôi cho tan đường, sau đó cho cám tinh vào dung dịch đường vừa đun trộn đều cho cám đủ ấm, khi cám đã trộn nguội cho men vào đảo đều đem ủ kín trong thùng nhựa, sau 3 ngày tiếp tục tưới nước cho đủ ấm để vi sinh vật nhân nhanh sinh khối. Khi cám đã chuyển màu và có mùi đặc trưng của men, quá trình điều chế chế phẩm hoàn thành. Sấy chế phẩm ở nhiệt độ <400C, để chế phẩm về dạng khô khoảng 13% ẩm độ thì các vi sinh vật chuyển sang trạng thái ngủ, tiến hành bảo quản chế phẩm trong túi màu tối, sản phẩm có thể bảo quản được 6 tháng.
2. Điều chế Chế phẩm dạng nước
- Nguyên liệu: dùng 10 lít nước, 600g đường mật mía, 3kg cám tinh, men gốc 1kg.
- Dụng cụ: thùng nhựa 20 lít, nồi đun đủ 15 lít nước, muôi khuấy inox cán dài 40-50 cm.
- Các bước tiến hành: đổ cám tinh vào nước đun sôi pha đường cho tan, đổ sang thùng lên men đậy nắp chờ nước nguội hoàn toàn cho men vào khuấy đều, đậy nắp khoảng 7-10 ngày thì men có mùi đặc trưng, độ pH <4.0 là thành chế phẩm, đem lọc bỏ cặn bã lấy nước đóng lọ màu tối, nắp kín thành chế phẩm ĐTH có thể sử dụng trong 3 tháng.
Chất lượng sản phẩm đã được Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng I, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phân tích kết quả cho thấy:
- Mật độ vi sinh vật phân giải xenlulo: 2,4x107 CFU/g, nghĩa là trong 1g chế phẩm có tới 24 triệu con vi sinh vật phân giải xenlulo, đạt tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002;
- Vi sinh vật cố định ni tơ: 5,2x106 CFU/g, đạt tiêu chuẩn Việt Nam 6167:2002;
- Vi sinh vật phân giải phốt pho: 1,0x107 đạt tiêu chuẩn Việt Nam 6166:1996.
Quy trình điều chế ra chế phẩm hết sức đơn giản nhưng đã mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường. Thử nghiệm chế phẩm tại Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình trên cây ngô ngọt vụ Đông ở cánh đồng xã Đồng Phong, huyện Nho Quan cho kết quả giảm được 50% phân đạm, năng suất tăng hơn 30%. Tác dụng của chế phẩm ĐTH là cố định ni tơ nên nó giúp cho ruộng ngô có nhiều vi sinh vật cố định đạm, làm cho lượng đạm ở ruộng sử dụng chế phẩm tăng lên, giúp cho cây đủ đạm nên phát triển tốt, bắp to, cho năng suất cao hơn.
Thử nghiệm xử lý chuồng trại nuôi lợn và trộn chế phẩm vào thức ăn cho lợn tại Doanh nghiệp Tư nhân phát triển Hùng Phượng xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình, cho kết quả tốt. Đã giảm mùi hôi chuồng trại, lợn phòng chống với dịch bệnh tốt, mau lớn và thịt thơm hơn. Vì trong chế phẩm có rất nhiều chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy các chất gây mùi khó chịu, như: H2S, NH3... giúp cho chuồng trại giảm bớt mùi hôi. Đặc biệt các chủng vi sinh vật đối kháng với nấm bệnh sẽ tiêu diệt các nấm bệnh tạo môi trường sạch cho vật nuôi, các men có mùi đặc trưng, vị chua nhẹ kích thích tính ham ăn của vật nuôi, khi vào hệ thống tiêu hóa các vi sinh vật có tác dụng phân giải thức ăn nhanh hơn, giúp cho vật nuôi tiêu hóa tốt nên mau lớn. Đồng thời chế phẩm có khả năng phân giải các chất có mùi hôi, nên thịt của vật nuôi sẽ không còn các chất có mùi hôi nên thịt thơm ngon hơn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thử nghiệm phun chế phẩm cho các loại rau tại Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ cây con đặc sản an toàn xã Yên Hòa, huyện Yên Mô cho kết quả tốt. Lượng phân bón giảm, rau không bị bệnh, năng suất tăng 20-30%, chất lượng rau đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thử nghiệm phun chế phẩm ĐTH cho cây hành và cây su hào tại hộ dân ở xã Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình cho kết quả cây phát triển tốt, lá xanh, thân mập, cho năng suất cao.
Chi phí làm chế phẩm:
Đơn vị tính: Đồng
- Giá thành chế phẩm (108.500đ/11kg): 9.860đ/1kg;
- Giá bán dự kiến: 20.000đ/1kg;
- Lợi nhuận cho 1kg: 10.140đ;
- Tỷ lệ % thu nhập so với đầu tư: 100 : 9.860 x 20.000 = 202.84%.
3. Tính mới, tính sáng tạo
- Chế phẩm sinh học ĐTH để xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón cho nông nghiệp sạch là một sản phẩm hoàn toàn mới do nhóm tác giả tạo ra, lần đầu tiên được sản xuất và ứng dụng tại Ninh Bình. Công nghệ sản xuất được xác lập theo điều kiện cụ thể, đơn giản nhưng hiệu quả, dù không có phòng vô trùng, không có máy móc hiện đại chính xác nhưng vẫn sản xuất được chế phẩm vi sinh vật hữu ích được thực tế thử nghiệm chứng minh.
- Từ nguyên lý về môi trường trong nuôi cấy vi sinh vật, nhóm tác giả đã vận dụng vào điều kiện cụ thể để tận dụng cơ sở vật chất, dụng cụ sẵn có tạo nên phòng cấy vi sinh vật đảm bảo yếu tố cơ bản cho chủng vi sinh vật phát triển.
- Các chất cơ bản để nhân giống vi sinh vật do nhóm tác giả lựa chọn từ nguyên liệu sẵn có, giá thành thấp nên giảm chi phí cho sản phẩm, nhưng vẫn đạt chất lượng.
- Giá trị sử dụng của chế phẩm trong đời sống hiệu quả trên nhiều mặt, như: phân giải rác hữu cơ, xử lý chuồng trại chăn nuôi, ao nuôi thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường, làm phụ ghia cho thức ăn gia súc, làm phân bón cho cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
- Sản phẩm góp phần thay đổi tư tưởng định kiến với rác thải hữu cơ, thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ hóa học của nông dân và hộ ghia đình. Chế phẩm phù hợp về kinh tế, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và cải tạo đất trồng, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng cùng gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
4. Hiệu quả kỹ thuật, xã hội
- Xử lý các chất thải sinh hoạt nhanh hoai mục, tạo nên phân hữu cơ để bón cho cây trồng; Tạo ra nhiều vi sinh vật cố định ni tơ có trong rơm rạ, tự tạo ra lượng đạm trong đất rất lớn.
`- Tạo ra nhiều vi sinh vật phân giải lân, các chất phốt pho có trong đất, giúp cây trồng phát triển; Giảm mùi hôi ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nguồn nước thải sinh hoạt trong cộng đồng; Hạn chế được sâu bânhj cho cây trồng, bệnh tật cho vật nuôi.
- Xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch giúp cải tạo đất, giảm lượng phân bón cho cây trồng vụ sau. Khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt giúp cây trồng không bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy thực vật trong đất gây ra.
- Xử lý được nước thải sinh hoạt, các chuồng nuôi gia súc, gia cầm giảm mùi hôi, sau 7 ngày có thể pha loãng để tưới cho cây trồng. Giảm tình trạng ô nhiễm nước thải, khí thải từ các điểm tập kết rác thải, từ các chuồng trại chăn nuôi.
- Trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm giúp vật nuôi tiêu hóa nhanh, chóng lớn, tăng năng suất, tăng chất lượng thịt và giảm mắc các bệnh truyền nhiễm, giảm mùi hôi do vật nuôi tiết ra...
Thanh Hòa