Sáng 28/10 tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Qũy toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức Hội thảo “Huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Giám đốc Dự án Qũy toàn cầu phòng chống HIV/AIDS Phạm Ngọc Linh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Giám đốc Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS Phạm Ngọc Linh cho biết, Vai trò và sự thành công của “Dự án Qũy toàn cầu phòng chốngHIV/AIDS” đi vào hoạt động từ năm 2011 đến nay, nhất là từ năm 2015-2023 khi Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành đơn vị nhận tài trợ chính từ Qũy Toàn cầu đã được các cơ quan Bộ Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, các cơ quan trung ương cũng như địa phương và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.
Toàn cảnh hội thảo
Trong những năm qua công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đạt được rất nhiều các thành tựu quan trọng, để đạt được kết quả đó ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng.
Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 cũng đề ra giải pháp “Tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”.
Để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam duy trì những thành tựu đã đạt được trong phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh ngân sách tài trợ cắt giảm từ năm 2017, Quỹ Toàn cầu tiếp tục tài trợ cho Việt Nam, trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Giai đoạn 2024-2026, Dự án của Liên hiệp Hội Việt Nam mang tính kế thừa của giai đoạn 2021-2023, tuy nhiên có sự thay đổi cho phù hợp với Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Trong khuôn khổ các hoạt động dự án đã được phê duyệt, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo “Huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS”, với mục dích chia sẻ thông tin về hoạt động của dự án giai đoạn 2024-2026 tới 10 tỉnh phía Bắc, đồng thời tăng cường phối hợp với các đối tác trong việc triển khai hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2026.
Tại Hội thảo, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế Võ Hải Sơn đã thông báo tiến độ triển khai Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (QĐ số 612/QĐ-BYT ngày 14/3/2024) và tiến độ phê duyệt dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật phòng, chống HIV/AIDS và Luật phòng, chống HIV/AIDS (sửa đổi)…
Cũng tại hội thảo các đại biểu đến từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI); Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS); Ban Quản lý Dự ánVusta; đại diện CDC Thái Nguyên (thuộc 5 tỉnh của ISMS); đại diện CDC Thái Bình (thuộc 5 tỉnh của SCDI)… đã tham luận đề ra các biện pháp tăng cường triển khai hoạt động năm 2024, tiến độ triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và nêu lên những ưu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh và các mong muốn hợp tác với nhà thầu và các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO); Các khó khăn, thách thức trong triển khai hoạt động năm 2024 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ; Các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2024 có liên quan đến hoạt động phòng chống HIV/AIDS hoặc lĩnh vực y tế tại địa phương...
Nhìn chung, các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS: Chúng ta đã làm rất tốt, huy động sự tham gia không chỉ ngành y tế mà tất cả các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội các cấp và các tổ chức cộng đồng cùng làm truyền thông. Hình thức truyền thông cũng rất đa dạng, phong phú, không chỉ là truyền thông trên các phương tiện đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình, báo in hoặc tổ chức truyền thông trực tiếp. Gần đây chúng ta đã chú trọng sử dụng mạng xã hội trong truyền thông thông qua các trang thông tin điện tử… hình thức này được các tổ chức cộng đồng đặc biệt ưa thích và sử dụng đem lại hiệu quả cao. Nhờ vậy cho đến nay hầu hết người dân đã có những hiểu biết cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS cũng đã giảm đi rất nhiều.
Với vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua có thể khẳng định nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV. Do vậy, việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng mọi nguồn lực là hết sức quan trọng….
Đông Hà