Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Gia đình: nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp

Thứ Năm, 26/06/2014
Ngày 28/6/2001 được chọn là ngày Gia đình Việt Nam đầu tiên và để rồi cũng từ đó, ngày Gia đình Việt Nam là mốc thời gian quan trọng để cho những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc.

 

Gia đình là trường học đầu tiên

Ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, gia đình luôn là nơi để con người ta luôn hướng tới. Có thể nói Gia đình là nơi đầu tiên truyền tải những yếu tố đầu tiên tạo nên các đức tính của con người. Thực tế cuộc sống đã cho chúng ta biết rằng, việc giáo dục trẻ em khi còn nhỏ để lại dấu ấn rất khó xoá nhoà trong nhân cách của trẻ. Chính vì vậy mỗi gia đình mà thực tế từng thành viên trong gia đình, toàn bộ cách sinh hoạt, cách ứng xử…đều gián tiếp hay trực tiếp chuyển tải cho thế hệ kế tiếp các giá trị sẽ tác động đến sự phát triển và quan niệm sống của thế hệ mới. Và sau này, trường học giúp sẽ giúp trẻ đối chiếu những tập tục này của gia đình mình với những tập tục của các gia đình khác, giúp trẻ học cách suy nghĩ về những gì đã và chưa được áp dụng từ đó dần dần hình thành nhân cách cho trẻ.

Gia đình là điểm tựa vững chắc

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là chỗ dựa về vật chất và tinh thần, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động…đã được gia đình Việt giữ gìn, vun đắp, phát huy và để rồi cho dù có đi đâu, làm gì, thì gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.

Gia đình, nơi ta được trở thành chính mình, nơi mà ở đó con người được yêu thương, đùm bọc. Và đặc biệt “Bữa cơm gia đình” là nơi lưu giữ những giây phút sum họp, nơi đoàn tụ của mọi thành viên trong gia đình sau một ngày làm việc vật vả (người lớn đi làm, trẻ em đi học). Bữa cơm chính là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, ở đây không chỉ cung cấp nâng lượng, bồi bổ sức khỏe cho mỗi thành viên trong gia đình mà còn là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong bữa cơm, người ta còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Với ý nghĩa như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Và để rồi ngày Ngày Gia đình Việt Nam năm 2014 với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã được phát động tới toàn thể các cấp, các ngành, với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Qua đó nêu cao những giá trị, tình cảm gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ và hướng tới “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”

Quỳnh Trang

 

Các tin khác