
Sau một thời gian tìm hiểu để phát triển mở rộng cơ sở sản xuất Cơ khí của mình, ông Đặng Ngọc Toàn nhận thấy ở đất nước Nhật Bản có phong tục thờ cúng cây lúa, nên tại Việt Nam, một số huyện như Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn đều trồng một số diện tích cây lúa non phục vụ cho việc xuất khẩu sang Nhật. Khâu kiểm duyệt chất lượng, quy trình sấy lúa non để nhập khẩu bên đất nước bạn là vô cùng khắt khe. Để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải nhập khẩu “Hệ thống máy sấy cây lúa non của Nhật Bản”. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt và vận hành máy một thời gian thì xảy ra hiện tượng chập chờn, hệ thống hoạt động không ổn định. Nguyên nhân do hệ thống máy sấy hiện đại, được lập trình bằng phần mềm sử dụng các bo mạch điện tử không phù hợp với khí hậu mưa nhiều, độ ẩm cao của nước ta. Để đảm bảo chất lượng sấy của cây lúa non, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật thân cây lúa phải cứng, có màu xanh như bình thường. Tại xưởng cơ khí Đặng Ngọc Toàn xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tác giả Đặng Ngọc Toàn đã nghiên cứu, chế tạo máy sấy lúa non xuất khẩu, sau rất nhiều lần thất bại, những nguyên vật liệu dùng để chế tạo hệ thống máy sấy lúa non lại phải thay bằng những vật liệu khác, nhưng tác giả không nản lòng, cuối cùng ông đã thành công. Máy sấy cây lúa non ra đời mà tác giả thường nói đùa rằng “tạm hài lòng” đã đảm bảo mọi yêu cầu các chuyên gia Nhật đề ra.
Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ nóng dần đều và điều khiển được nhiệt độ trong buồng sấy luôn từ 35 độ C đến 38 độ C để cây lúa khô nhưng vẫn giữ được màu xanh của cây, thân cây cứng, không bị mềm rủ. Hệ thống được thiết kế chuẩn xác, đồng tâm và cân đối nên chạy rất êm, không gây ồn, không có chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường. Máy được cấu tạo gọn, các đường dẫn nhiệt được chia đều ra các buồng sấy để nhiệt độ buồng sấy luôn ổn định. Hệ thống gồm: 02 buồng sấy lúa non, 01 động cơ có công suất 5.5Kw, 03 chiếc quạt gió, 01 lò nhiệt, 02 hệ thống đường dẫn nhiệt hình vuông kích thước 30x30cm.
Như vậy, đây là hệ thống sấy lúa non đầu tiên ở nước ta phục vụ cho xuất khẩu, có thể sấy được tất cả các loại nông sản khác, lần đầu tiên được áp dụng trên tỉnh Ninh Bình. Với giá thành chỉ bằng 1/7 so với hệ thống sấy nhập khẩu từ Nhật, giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm đầu ra, chất lượng sản phẩm lúa non không hề giảm, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, hệ thống lại rất dễ sửa chữa, các vật liệu dễ kiếm tìm, dễ tháo lắp, vận hành phù hợp với khí hậu nước ta, triển khai được ngay so với trình độ và thị trường vật tư trong nước, không phải điều chỉnh điện áp 110V như hệ thống sấy của Nhật.
Được tôn vinh tại Lễ trao giải Hội thi cũng là một cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm máy sấy cây lúa non của mình đến đông đảo người dân, các doanh nghiệp biết và sử dụng. Ông Toàn xúc động: “Nếu công trình này của tôi được nhiều người biết đến và áp dụng trong toàn quốc và những vùng có cùng ngành nghề ở Ninh Bình thì còn gì vui hơn. Tôi mừng lắm”.
Chúng ta cùng chúc cho những tâm huyết và công sức mà tác giả đã bỏ ra sẽ ngày càng đâm hoa kết trái hơn nữa, mong rằng người thợ cơ khí đó sẽ không chỉ dừng lại ở một công trình mà sẽ có nhiều hơn nữa những sản phẩm cơ khí hữu ích được ông sáng tạo được sử dụng mang lại hiệu quả to lớn./.
Bích Đào