Công trình “Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình” được thực hiện ở 6 môn học gồm; Ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc và 01 kế hoạch dạy học theo chuyên đề tích hợp liên môn giữa các môn khác có sử dụng di sản văn hóa địa phương Ninh Bình. Ngoài ra, Nhóm tác giả đã xây dựng 7 tập bài giảng điện tử theo các môn. Đây là tổng hợp những kết quả nghiên cứu, sưu tầm của các nhà văn hóa, nhà sử học của địa phương nên đảm bảo tính chính xác, khoa học và cập nhật.
Trong quá trình áp dụng và triển khai, bộ tài liệu tiếp tục được bổ sung từ chính các giáo viên, những đơn vị có liên quan để bộ tài liệu thêm phong phú, nội dung sâu sắc, do đó tài liệu được sử dụng chính thức trong dạy học tại 27 trường Trung học Phổ thông, 142 trường Trung học Cơ sở trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm học 2016-2017. Khi thực hiện, các đơn vị trường học đã linh hoạt áp dụng theo hình thức hoạt động ngoại khóa, các trò chơi, chủ đề tích hợp hoặc hoạt động trải nghiệm thực tế tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa tại địa phương mình.
Giờ học ngoại khóa môn lịch sử của cô và trò trường Trung học Cơ sở Ninh Hải - Huyện Hoa Lư diễn ra ngay tại Đền Thái Vi, một di tích lịch sử ngay trên quê hương. Các em được nghe quản từ đền giới thiệu về lịch sử của ngôi đền, những người được thờ trong đền và giá trị văn hóa lịch sử của địa danh này. Đối với nhiều em học sinh, được trực tiếp đến, cảm nhận và quan sát như thế này đã hiểu thêm về những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
Không chỉ được tham quan thực tế, ở đây các em học sinh được giao lưu, gặp gỡ và trực tiếp giới thiệu cho du khách nước ngoài về các di tích lịch sử, danh lam thắng, qua đó rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Do đó, giáo dục theo phương pháp giới thiệu di sản văn hóa địa phương trong dạy học đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao hiểu biết của mình về các kiến thức xã hội và các địa danh lịch sử. Tính chủ động trong dạy và học đã được thể hiện rất rõ khi thực hiện dạy học theo bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương mà nhóm tác giả của Sở giáo dục và đào tạo đã nghiên cứu.
“Hoạt động trải nghiệm sáng tạo vận dụng kiến thức toán học và các môn học khác trong việc tìm hiểu Nhà thờ đá Phát Diệm” của các thầy cô giáo trong Tổ Toán và học sinh trường Trung học Phổ thông Kim Sơn B là kết quả của hoạt động trải nghiệm. Theo đó, để ứng dụng vào giải các bài toán trên lớp, các em được đi trải nghiệm tại công trình kiến trúc nổi tiếng. Tại đây, các em được thực hành đo chu vi, diện tích các hạng mục công trình của Nhà thờ đá Phát Diệm. Từ con số thu được, học sinh sẽ áp dụng kiến thức lý thuyết để làm bài tập. Cách học này không chỉ tạo hứng thú mà còn giúp học sinh lĩnh hội kiến hiệu quả.
Hoạt động trải nghiệm của Tổ Toán - Trường Trung học Phổ thông Kim Sơn B được Ban giám hiệu nhà trường, Sở giáo dục và các thầy cô giáo Tổ toán ở các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn đánh giá cao. Đặc biệt là đã đáp ứng được yêu cầu, mục đích mà đề tài “Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình” đề ra.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: "Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn“. Và việc tổ chức dạy học nội dung di sản văn hóa theo các chủ đề môn và liên môn ở các trường trung học là một trong những nội dung nhằm thực hiện mục tiêu này. Đặc biệt, khơi dậy đam mê nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các em học sinh.
Hiệu qủa của Công trình “Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình” đã được khẳng định. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, áp dụng, nhiều trường gặp những khó khăn nhất định như: kinh phí để tổ chức các lớp học ngoại khóa, trang thiết bị để thực hành trong các giờ học trải nghiệm, và đặc biệt là kỹ năng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để đảm bảo thời gian và nội dung theo quy định của Bộ giáo dục trong giảng dạy.
Những khó khăn trên đòi hỏi nhóm tác giả đề tài cần tiếp tục nghiên cứu, có phương án giải quyết các tình huống phát sinh từ thực tế. Bên cạnh đó các trường học cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa , huy động các nguồn lực để đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ tốt nhất cho những giờ học ngoại khóa, học thực hành của các em học sinh. Các thầy cô giáo câng tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, linh hoạt đa dạng trong các phương pháp dạy và học.
Việc “Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình”có ý nghĩa thiết thực, gắn việc thực hiện mục tiêu đổi mới phương pháp giáo dục theo chương trình sách giáo khoa mới với điều kiện tự nhiên, điều kiện địak lý và phát triển kinh tế của địa phương. Từ việc hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị các di sản văn hóa của địa phương sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em học sinh trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống của địa phương và của dân tộc, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác dạy và học khối Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh..
Thu Hoài