Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hiệu quả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các Hợp tác xã nông nghiệp

Thứ Tư, 30/12/2020
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là: "chìa khóa" để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển bền vững trong nông nghiệp. Xác định rõ điều này,những năm qua tỉnh Ninh Bình đã xây dựng các vùng sản xuất, các Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng hàng hóa, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản và thu nhập cho nông dân, đem lại những kết quả đáng khích lệ.

Thời gian qua, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn Liên Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô đã đưa vào sản xuất những loại cây trồng mới có giá trị kinh tế gắn với áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu cho hiệu quả rõ rệt. Tham gia vào Hợp tác xã nhiều năm nay, ông Đinh Văn Thuyên luôn được hỗ trợ các kỹ thuật chăm sóc, tưới tiêu. Tuy nhiên do lao động chân tay nên công việc đồng áng cũng khiến ông và gia đình tốn nhiều công sức và thời gian. Vừa qua ông và các hộ thành viên khác tham gia Hợp tác xã đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đầu tư mô hình tưới tự động công nghệ cao trị giá hơn 2 tỷ đồng. Hệ thống này hoạt động đã giúp người nông dân giảm chi phí và sức lao động đáng kể.

Hệ thống cấp nước theo công nghệ tiên tiến bằng vòi phun tự động được vận hành theo quy trình: nước được bơm lên từ trạm bơm do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại địa phương quản lý, đẩy vào đường trục ống dẫn nước chính rồi truyền vào các đường ống nhánh về đến từng thửa ruộng. Nông dân có thể chủ động việc tưới tiêu cho cây trồng bằng cách đóng mở các van đầu đường ống. Việc ứng dụng công nghệ tưới tự động vào sản xuất mang lại nhiều lợi ích như: giá thành thấp hơn việc kiên cố hóa kênh mương, tiết kiệm nguồn nước tưới, phù hợp với trồng cây rau màu và cây ăn quả. Qua mô hình triển khai bước đầu với 18 ha diện tích trồng rau màu ở xã Khánh Dương đã cho thấy hiệu quả mang lại rõ rệt, người dân phấn khởi hăng hái sản xuất.

Mô hình tưới nước theo công nghệ tiên tiến đối với các vùng trồng rau màu tại Hợp tác xã Liên Dương đã và đang mở ra một hướng đi mới, hứa hẹn đem lại những tác động tích cực đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại đây. Áp dụng mô hình mới này đã thay đổi thói quen tập quán canh tác truyền thống thay vào đó người dân bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện nghị quyết 37 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, nhiều Hợp tác xã đã xây dựng nhà kính, nhà lưới để sản xuất cây hàng hóa. Với mô hình này, có thể kiểm soát được môi trường, dịch bệnh nhờ hệ thống mái che, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Và điều quan trọng là có thể trồng được rau trái vụ.

Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, sản xuất con giống, việc nuôi thủy sản thương phẩm trong những năm qua cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh. Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Gia Hòa, huyện Gia Viễn là một trong những Hợp tác xã có tốc độ phát triển nhanh về quy mô và mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã tiêu thụ ra thị trường hàng chục tấn thủy sản và đang hướng đến khu nuôi trồng tập trung, chuyên cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Để có được thành công này, các hộ thành viên sau khi tham gia Hợp tác xã đã nhận thức được lợi ích của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Và quan trọng nhất là phải áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất sản lượng. Đến nay đã có 100% ao nuôi sử dụng công nghệ máy sục khí, máy quạt nước nhằm làm tăng hàm lượng oxy trong ao, giúp cho cá nuôi ổn định thể chất do được cung cấp oxy hòa tan. Ngoài ra nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong Hợp tác xã cũng đã mạnh dạn đầu tư máy cho ăn tự động giúp giảm công lao động, nâng cao năng suất. Để phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hợp tác xã Gia Hòa sẽ thường xuyên hướng dẫn cho các thành viên, chuyển giao công nghệ, các mô hình trình diễn, xây dựng Hợp tác xã trên cơ sở liên kết giữa các thành viên với đơn vị thu mua và phân phối sản phẩm.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong các Hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, cũng như rủi ro và sự phụ thuộc vào thời tiết. Nhất là bảo đảm truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người sản xuất. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các Hợp tác xã hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như : việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vùng nông nghiệp thâm canh cao còn tự phát, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế và chưa đồng bộ. Một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn.. Cùng với đó sản xuất ứng dụng công nghệ cao quy mô còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ. Để tháo gỡ những khó khăn trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực đối với nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, các hộ nông dân cần mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, cần hình thành các tổ chức hợp tác nông dân lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản nông sản, nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ được hiểu là việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, mà là công nghệ phù hợp điều kiện thực tiễn sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để ngành nông nghiệp Ninh Bình tăng trưởng trong những năm tới không có cách nào khác là phải tích cực, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi để gia tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và hướng tới xuất khẩu./

Đông Hà

Các tin khác