Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của CNVLĐ thành phố Ninh Bình

Thứ Năm, 21/05/2015
Trong những năm qua phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn của thành phố đã đạt được kết quả khá toàn diện, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu. Trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả cao như: công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức các hoạt động tháng công nhân, tổ chức các ngày kỷ niệm lớn 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tuyền truyền vận động CNVCLĐ tích cực tham gia ủng hộ bảo vệ chủ quyền biển đảo và “chương trình nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp và đặc biệt là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước... Những kết quả đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trước đoàn viên, trước cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị …

Hưởng ứng các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình phát động. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực Liên đoàn lao động tỉnh, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp Công đoàn thành phố Ninh Bình đã bám sát mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn các phong trào, duy trì, triển khai thực hiện phong trào một cách rộng khắp, toàn diện, vững chắc cả về bề rộng, chiều sâu. Tổ chức và chỉ đạo các phong trào có bước đi và hình thức phù hợp; coi trọng xây dựng điển hình, mô hình điểm để rút kinh nghiệm nhân diện; vận động, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội.

Hằng năm, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Liên đoàn lao động thành phố đã phát động các phong trào thi đua bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành, đơn vị đến các cấp công đoàn và đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Trong đó, nổi bật là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị”… Cùng với việc kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phát động, đăng ký giao ước thi đua, nhất là phát động các đợt thi đua đặc biệt lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn của tỉnh, của thành phố, “Chào mừng thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại II” và “Chào mừng 60 năm ngày giải phóng thành phố”. Phong trào “xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” cũng được Liên đoàn lao động thành phố tập trung tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Bên cạnh đó, Liên đoàn lao động thành phố còn chú trọng và tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa như: Tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng trong công nhân viên chức lao động, phối hợp tổ chức các giải bóng chuyền, các trò chơi dân gian nhân dịp tết cổ truyền như: chọi gà, cờ tướng, kéo co. Đặc biệt năm 2014, Liên đoàn lao động thành phố đã tổ chức hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến cho 52 cán bộ, công nhân viên chức lao động nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Hoạt động Tháng công nhân luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, như: Tổ chức các chương trình giao lưu đối thoại và tuyên truyền về pháp luật lao động, tuyên truyền kết nạp đoàn viên… Trong 5 năm qua, các Công đoàn cơ sở đã đăng ký và hoàn thành 21 công trình, sản phẩm với giá trị trên 33 tỷ đồng, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và an toàn lao động, đưa vào sử dụng phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn, thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị lớn của đất nước và địa phương. Đã có 722 đề tài, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn mang lại lợi ích thiết thực. Có 45 đề tài, sáng kiến và giải pháp hữu ích được công nhận cấp tỉnh, 5 đề tài, sáng kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Nhằm tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, năm 2015, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động thành phố đã căn cứ vào đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của các công đoàn cơ sở đã tổ chức chia thành 5 cụm thi đua; phát động nội dung thi đua phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở, khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, khối xã phường, khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân và phân bổ khen thưởng cho các cụm thi đua. Đồng thời tổ chức ký giao ước thi đua giữa các cụm trưởng và giao trách nhiệm cho các cụm trưởng, cụm phó là đơn vị đầu mối chỉ đạo các hoạt động điểm của Liên đoàn lao động thành phố.

Với những biện pháp triển khai thiết thực các phong trào thi đua đã được nâng lên rõ rệt, gắn kết chặt chẽ thi đua với khen thưởng, khuyến khích được công nhân viên chức lao động tích cực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị. Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của thành phố trong những năm qua. Cũng từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân công nhân lao động tiêu biểu được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Trong 5 năm qua, đã có 62 tập thể và 120 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động tỉnh và Liên đoàn lao động thành phố khen thưởng.

Qua thực tiễn chỉ đạo phong trào chúng tôi nhận thấy, để công tác thi đua, khen thưởng đúng với mục đích, ý nghĩa của nó, thật sự tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước hết và quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, nhận thức trong mỗi người, đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị; biết khơi dậy các phong trào thi đua đúng thời điểm; nội dung phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở; cần công minh trong việc bình xét khen thưởng để chọn những tập thể, cá nhân xứng đáng, người được khen thật sự phải là điển hình nổi bật, là tấm gương để người khác học hỏi.
Ngoài ra, cần nêu cao vai trò của người cán bộ làm công tác phong trào, trực tiếp làm công tác thi đua - khen thưởng; chúng ta thường vẫn có câu “cán bộ nào phong trào đó” hàm ý đề cao về vai trò của người lãnh đạo, người cán bộ trực tiếp làm phong trào. Đối với người làm công tác thi đua, ngoài việc nắm vững các chủ trương đường lối của Đảng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần có lòng nhiệt tình với công việc và phải có năng lực trong tổ chức phong trào, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc. Người làm công tác phong trào cần có năng lực tổ chức để hướng cho mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

 Một kinh nghiệm nhỏ nữa trong công tác thi đua - khen thưởng đó là thực hiện việc khen thưởng công bằng, kịp thời. Mỗi lời động viên, khích lệ đúng lúc của người lãnh đạo sẽ có tác dụng tích cực, làm cho người được khen có tâm trạng phấn khởi hơn và kết quả công việc sẽ tốt hơn. Việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần phải tiến hành hằng ngày; như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày"./.

Đinh Thế Hùng (PCT LĐLĐ thành phố)

Các tin khác