Ninh Bình đã và đang trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của khu vực Bắc bộ và của cả nước. Để phát triển du lịch bền vững, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 10/4/2002 và Quyết định số 1556/QĐ-UBND ngày 31/7/2006 quy định về ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn Tỉnh. Đến năm 2008, Hội đồng nhân dân Tỉnh ra Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 về việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình.
Bên cạnh đó, Sở cùng với các ban, ngành chức năng của tỉnh tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 03/TU ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch tới năm 2010; Nghị quyết chuyên đề số 15NQ/TU ngày 13/07/2009 và Kế hoạch số 07/KH–UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách thu hút đầu tư, đây là những chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế cùng phát triển. Đồng thời tham mưu cho Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, thành lập Hiệp hội du lịch Ninh Bình.
Quy hoạch tổng thể - quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch
Ninh Bình có tài nguyên du lịch giầu có, phong phú, độc đáo và cũng là Tỉnh sớm xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch trong cả nước. Ngay từ năm 1995, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình và sự quan tâm, giúp đỡ của Tổng cục Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình và UBND Tỉnh đã có quyết định số 949/QĐ-UB ngày 22/9/1995 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 1995-2010. Đến năm 2007, UBND Tỉnh tiếp tục phê duyệt: điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến 2010 định hướng đến 2015; UBND Tỉnh đã phê duyệt 02 quy hoạch chi tiết là khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và quy hoạch khu du lịch sinh thái Vân Long. Hiện đang triển khai thực hiện 03 quy hoạch chi tiết các khu du lịch, gồm: Quy hoạch khu danh thắng Tràng An để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới; Quy hoạch Vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Quy hoạch chi tiết khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình.
Tập trung đầu tư các khu điểm du lịch
Ngành Du lịch Ninh Bình luôn chú trọng vào việc đầu tư nâng cấp và xây mới các khách sạn, nhà nghỉ nhằm kịp thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch. Vì vậy, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn Tỉnh, khi mới tái lập Tỉnh có 02 cơ sở lưu trú du lịch với 58 phòng ngủ, đến nay đã tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô. Hiện nay, toàn Tỉnh có 244 cơ sở lưu trú với 3.564 phòng nghỉ có 4.543 giường. Trong đó có 26 cơ sở lưu trú được công nhận đạt loại hạng từ 1 đến 2 sao, chiếm 11,6% tổng số cơ sở lưu trú hiện có.
Tập trung kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đến nay UBND Tỉnh đã chấp thuận cho 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn là 14.321 tỷ đồng, riêng năm 2011 có 6 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn là 2.721 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu là đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, khách sạn du lịch cao cấp, đầu tư phát triển các khu du lịch và khu vui chơi, giải trí hiện đại nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho Tỉnh, đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ, du lịch. Hiện nay, các dự án đang triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đã được phê duyệt. Nhiều hạng mục công trình của các dự án đã đưa vào khai thác sử dụng phục vụ khách du lịch.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, năm 2009-2011 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối kết hợp với trường Đại học Hoa Lư tuyển dụng, đào tạo 466 sinh viên có trình độ trung cấp du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Tỉnh. Đặc biệt thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề mang tính chuyên nghiệp cho những người làm trực tiếp trong ngành Du lịch. Đến năm 2015, ước sẽ thu hút và giải quyết khoảng từ 8.000 -10.000 lao động chính trong ngành Du lịch và trên 20.000 lao động có thu nhập gián tiếp thông qua các hoạt động dịch vụ, du lịch.
Thúc đẩy xúc tiến quảng bá du lịch
Hoạt động xúc tiến quảng bá từng bước được chuyên môn hoá. Các kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch hàng năm của ngành đã được triển khai có hiệu quả. Hệ thống các ấn phẩm, tài liệu quảng bá đã được xây dựng và hoàn chỉnh. Công tác xúc tiến quảng bá trên mạng Internet đã được đẩy mạnh với việc thiết lập được trang tin điện tử tổng hợp, thu hút hàng nghìn lượt người truy cập. Các hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng hình ảnh, nâng cao vị thế du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế, hấp dẫn khách đến Ninh Bình ngày một đông hơn.
Kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng
Từ những định hướng đúng đắn, các chỉ tiêu phát triển kinh tế du lịch đã dần từng bước đạt kết quả. Năm 2009 là 2,4 triệu lượt, năm 2010 là 3,3 triệu lượt, năm 2011 là 3,247 triệu lượt (tăng 35,2% so với năm 2009); Doanh thu du lịch năm 2009 đạt 251 tỷ đồng, năm 2010 đạt 550 tỷ đồng, năm 2011 đạt 655 tỷ đồng (tăng 161% so với năm 2009). Việc doanh thu du lịch tăng cao hơn so với số lượt khách nhiều lần (doanh thu tăng 161%, trong khi số lượt khách tăng 35,2%) thể hiện du lịch Ninh Bình đã phát triển rõ rệt về chất lượng và hiệu quả. Tháng 01/2012, toàn Tỉnh đón được 292.600 lượt khách, tăng 76,5% so với cùng kỳ năm 2011; doanh thu đạt 62,3 tỷ đồng tăng 82% so với cùng kỳ năm 2011.
Giải pháp phát triển du lịch Ninh Bình trong thời gian tới
Để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát huy vai trò xung kích của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các công việc. Cụ thể:
1. Về công tác Quy hoạch phát triển du lịch
Tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch để phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và tiếp tục tiến hành quy hoạch chi tiết các khu du lịch trong Tỉnh. Đây sẽ là điều kiện để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh.
2. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung hoàn thành, nâng cấp các khu du lịch trọng điểm trong Tỉnh
Tập trung xã hội hoá thu hút mọi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phát triển du lịch có đẳng cấp cao, đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước; Tập trung hoàn thành, nâng cấp các khu du lịch trong tỉnh như khu danh thắng Tràng An, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới; khu du lịch Tam Cốc – Bích Động; khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, khu Kênh Gà – Vân Trình; Xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 3-5 sao, phấn đấu đến năm 2015 là 12 cơ sở, tiêu biểu như khách sạn The Vissai; khách sạn Huyền Thoại (Legend), khu nghỉ dưỡng Emeralda, khu nghỉ dưỡng Cúc Phương Resort.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch
Xây dựng mô hình quản lý khu danh thắng Tràng An; Quy chế quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; quy định về bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi, hang động; Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hoá, giao tiếp, văn minh cho những người làm du lịch; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch.
4. Phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch
Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, truyền hình, Internet; Tổ chức hệ thống cung cấp thông tin miễn phí cho khách du lịch; Xuất bản nhiều ấn phẩm quảng bá như bản đồ, tập gấp, phim ảnh, quà tặng, tác phẩm văn học nghệ thuật…; Tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế.
Ths. Nguyễn Ngọc Luyên
PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình