Tuy hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng Lê Ngọc Tú luôn giữ vững thành tích tốt trong học tập. Trong suốt 12 năm học, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Năm 2011, khi đang học lớp 11, thấy được khó khăn của các bạn phải cặm cụi đèn, nến trong những ngày mất điện, Tú đã tìm tòi và sáng tạo ra giải pháp "Đèn đa năng", chiếc đèn vừa có thể thắp sáng vừa có thể quạt mát, lại tiết kiệm nhiên liệu. Tú cho biết em làm "Đèn đa năng" hoàn toàn mang tính ngẫu hứng, chỉ để thỏa mãn trí tò mò. Tham dự Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng năm 2011, giải pháp của Tú đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.
Đến với Cuộc thi năm nay, Tú đã có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn, cả về thời gian, lẫn công sức, trí tuệ. Từ những quan sát thực tế trong cuộc sống và những kiến thức được học trên ghế nhà trường, lấy ý tưởng từ một việc rất giản dị nhưng lại vô cùng thực tế trong đời sống, đó là việc phơi quần áo, Tú đã sáng tạo ra giải pháp "Dây phơi thông minh", một thiết bị dùng để phơi đồ, có thể tự động thu quần áo vào khi trời mưa hoặc trời tối và đưa quần áo ra khi trời tạnh hoặc vào buổi sáng.
Mô hình "Dây phơi thông minh" bao gồm 5 bộ phận chính, đó là:
1. Nguồn điện (được tích hợp từ hai nguồn: pin khô (acquy) và nguồn điện 12V từ máy biến áp).
2. Tấm tiếp điện giúp phát hiện khi trời mưa (làm từ miếng nhựa có bề mặt dẫn điện, được rạch những khe nhỏ).
3. Mô tơ dùng để kéo dây phơi.
4. 3 tranzito công suất lớn lấy từ các bảng mạch điện tử.
5. Cảm biến quang có điện trở thay đổi theo cường độ chiếu sáng dùng để đóng ngắt rơle, cho dòng điện đi qua để hoạt động môtơ kéo dây phơi đi vào khi trời tối.
Cơ chế vận hành của giải pháp rất đơn giản, có thể điều khiển bằng tay hoặc để ở chế độ tự động. Với hai nguyên lý hoạt động cơ bản:
Nguyên lý tự động cho quần áo vào: khi trời mưa, nước mưa sẽ rơi vào tấm tiếp điện, đóng vai trò là chất dẫn điện tuy nhiên dòng điện qua đó rất nhỏ nên sẽ được bộ mạch gồm 3 tranzito thu nhận và khuếch đại, tạo ra dòng điện lớn hơn, kích hoạt mô tơ hoạt động và thu quần áo vào. Khi trời tối (không còn ánh sáng mặt trời) thì bộ mạch cảm biến quang sẽ thu nhận tín hiệu và chuyển xuống hộp điều khiển, làm đóng rơle điện, mạch kín và mô tơ chuyển động, thu quần áo vào.
Nguyên lý tự động cho quần áo ra: Tấm tiếp điện được lắp nghiêng nên khi trời tạnh mưa, nước mưa sẽ tự chảy hết xuống phía dưới. Khi tấm tiếp điện khô thì nó sẽ không dẫn điện, rơle được nhả ra và môtơ tự động đưa quần áo ra ngoài. Tương tự, khi trời sáng, cảm biến quang không cho dòng điện đi qua nữa, rơle cũng được nhả ra và môtơ tự động đưa quần áo ra ngoài.
Đánh giá một cách toàn diện, đây là giải pháp mang tính ứng dụng cao có thể áp dụng rộng rãi trong mỗi gia đình với giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân, tiết kiệm được thời gian, sức lao động. Mô hình hiện nay tuy chỉ áp dụng trong việc tự động phơi đồ nhưng với ý tưởng này, sản phẩm còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác, như việc phơi, sấy các loại nông sản, thủy sản,…
Giải pháp "dây phơi thông minh" của Lê Ngọc Tú được Hội đồng giám khảo Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ 3, đánh giá cao và chọn đi tham dự cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Đây không chỉ là sự khích lệ to lớn đối với cậu học trò đam mê sáng tạo Lê Ngọc Tú mà còn là nguồn động lực khơi dậy tiềm năng lớn lao trong phong trào sáng tạo của thế hệ trẻ tỉnh nhà. "Em đến với cuộc thi không phải chỉ vì giải thưởng, tuy rằng giải thưởng đó có thể giúp gia đình em trang trải được một phần trong cuộc sống. Uớc mơ của em là được mang sản phẩm của mình ra triển lãm nước ngoài và quan trọng hơn là sản phẩm đó sẽ được đầu tư, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thực tế" - Lê Ngọc Tú tâm sự.
Hy vọng rằng những ý tưởng, giải pháp đã và đang triển khai, trong tương lai không xa, cùng với sự nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm "Dây phơi thông minh" của Lê Ngọc Tú sẽ được ứng dụng rộng rãi, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó làm giầu đẹp thêm cho quê hương đất nước./.
Nguyễn Thị Nhung