Những thành công vang dội của em khi vượt qua 67 đề tài của các tỉnh, thành phố để giành giải nhất cấp Quốc gia về lĩnh vực điện, cơ khí; giải ba cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014 đã bước đầu đặt nền móng vững chắc để cậu học trò Ngô Hoàng Dũng, lớp 12 Lý, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy tiếp tục xây dựng ước mơ trở thành kỹ sư ngành điện, cơ khí trong con đường lập nghiệp sau này của mình.
Ấp trứng và sấy nông sản là một nhu cầu của đời sống. Trên thị trường hiện nay đã có nhiều kiểu máy ấp trứng hoặc các hệ thống sấy nông sản như: hệ thống sấy hầm, hệ thống sấy thấp, hệ thống sấy vỉ ngang đảo chiều gió, máy sấy dùng năng lượng mặt trời..v.v… Các mô hình này tuy đã đáp ứng khá tốt yêu cầu sấy các loại nông sản, tuy nhiên mỗi loại mô hình luôn tồn tại nhược điểm riêng như: Chỉ có một chức năng ấp hoặc sấy; Phụ thuộc vào thời tiết; Gây ô nhiễm môi trường; Cồng kềnh, chi phí cao chỉ phù hợp với những hợp tác xã sản xuất hoặc công ty.
Xuất phát từ những lý do đó em Ngô Hoàng Dũng trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy đã phát minh ra chiếc “lò ấp sấy đa năng” với mục đích chế tạo một máy ấp kết hợp với sấy công suất nhỏ, dùng trong các hộ gia đình
Chiếc máy có quy trình hoạt động như sau:
Được chế tạo từ những nguyên liệu dễ tìm, giá rẻ như thân máy bằng gỗ, con chíp điện tử, sản phẩm là khay xếp theo tầng (tầng 1 là phần sấy, tầng 2 chức năng ấp) với tổng giá trị vật liệu tạo ra sản phẩm khoảng 500.000 - 600.000 đồng, sản phẩm "Thiết kế, chế tạo lò ấp, sấy đa năng"của Ngô Hoàng Dũng đã thuyết phục Ban giám khảo cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014 với sáng tạo có tính ứng dụng cao.
Về thời gian: Thời gian để ấp trứng vịt là 28 ngày, ấp trứng ngan và ngỗng là 30 ngày, trứng chim cút là 17 ngày, trứng đà điểu là 43 ngày, trứng gà là 21 ngày. Tuy nhiên thời gian có thể dao động, trứng nhỏ nở trước, trứng to nở sau.
Về Nhiệt độ: Trứng mới vào lò còn lạnh nên 3- 4 ngày đầu cần cung cấp nhiệt độ cao hơn các giai đoạn ấp, trong những ngày nóng, cần hạ nhiệt độ phòng ấp bằng cách mở lò ấp phun nước ấm, phun nước làm mát phòng ấp.
Độ ẩm: Những ngày đầu tiên yêu cầu nhiệt độ cao, yêu cầu độ ẩm cũng cao để giảm bớt sự bốc hơi nước trong trứng. Đến giữa thời kỳ ấp do việc trao đổi chất của phôi tăng, lượng nước nội sinh tạo ra cẩn phải thoát ra ngoài trứng nên yêu cầu nhiệt độ lò ấp và phòng ấp giảm đi.
Không khí rất cần cho sự trao đổi khí của phôi vì vậy lò ấp phải thông thoáng, khí trong lò ấp phải được lưu thông đều, vì vậy đảo trứng cũng là cách để điều hòa nhiệt độ, độ ẩm và không khí tại mọi vị trí của quả trứng.
Nhiệt độ của lò ấp được cung cấp từ một trong hai nguồn. Nguồn nhiệt từ phần sấy chuyển sang và nhiệt do hệ thống bóng đèn phần ấp. Khi phần sấy hoạt động thì nhiệt sẽ được chuyển sang phần ấp thông qua ống thông khí, lúc đó thì không cần sử dụng đến hệ thống bóng đèn. Nhiệt do phần sấy thường nhiều nên khi đạt tới nhiệt độ ấp cần thiết, mạch điều khiển lò sẽ tự động đóng lỗ thông khí vào phần ấp, phần khí và hơi ẩm do phần sấy sẽ thoát ra ngoài. Khi sử dụng chức năng ấp thì nhiệt sẽ được cung cấp bởi hệ thống bóng đèn, nhiệt độ này sẽ điều khiển tự động bởi mạch riêng. Độ ẩm của phần ấp trước hết lấy từ phần sấy sang. Nếu phần sấy không hoạt động hoặc độ ẩm không đủ thì ta có thể đặt vào phần ấp một khay nước, khay nước này sẽ giúp ổn định độ ẩm trong lò ấp. Để sự lưu thông của khí trong lò ấp luôn được đảm bảo nhờ một chiếc quạt nhỏ. Quạt thông khí giúp cho lò ấp luôn thông thoáng, ngoài ra nó còn giúp cho nhiệt độ trong lò ấp đồng đều. Chức năng quạt được sử dụng thay cho chức năng đảo trứng trong lò.
Điều đặc biệt trong sản phẩm "Thiết kế, chế tạo lò ấp, sấy đa năng” của Ngô Hoàng Dũng chính là Dũng đã vận dụng lắp ráp, vận hành hoạt động thành công của thiết bị điện, cơ khí có ứng dụng cao chính từ kiến thức chuyên môn vững vàng và sự say mê tìm tòi ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, khó mà em không được học ở chương trình phổ thông. Ngô Hoàng Dũng cho biết thêm: Từ ý tưởng đề tài đến thực tế xây dựng, hoàn thiện một sản phẩm hoàn chỉnh, từ thiết kế đến lắp ráp thành sản phẩm hoạt động hiệu quả, em đã gặp không ít khó khăn bởi với ý tưởng có tính ứng dụng thực tiễn cao như thế cần rất nhiều kinh nghiệm thực hành thiết kế máy móc mà hầu như tiêu chí này đối với người học sinh chưa thể đáp ứng. Do đó, trong quá trình thực hiện em đã dành mọi thời gian rảnh rỗi để đến phòng thực hành Vật lí của nhà trường, và tìm đến sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô, bạn bè để hoàn thiện sản phẩm. Đề tài của em được sự góp ý, hướng dẫn rất nhiều từ phía thầy giáo Nguyễn Việt Dũng. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm chỉnh sửa sản phẩm cho hoàn thiện đến khi dự thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia, Ngô Hoàng Dũng đã dồn sức trong khoảng 5 tháng.
Ngọc Anh