Tại kỳ tổ chức này, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiến hành đôn đốc, cập nhật thông tin và có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai tại các huyện, thành phố. Thực hiện đồng bộ với Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh đoàn trong việc ban hành công văn chỉ đạo, giám sát quá trình triển khai, thực hiện Cuộc thi một cách thiết thực hiệu quả. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu các mô hình/sản phẩm tiêu biểu của các Cuộc thi trước để Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng tỉnh nhà cập nhật thông tin, tham khảo, rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, Cuộc thi đã trở thành phong trào sâu rộng trên các cấp học, trường học trong toàn tỉnh, tạo thành hiệu ứng tích cực giúp tuổi trẻ học đường sáng tạo, say mê ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong cuộc sống.
Cuộc thi lần này, đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Hầu hết các trường học trong tỉnh đều có học sinh tham gia Cuộc thi, với tổng số 3149 mô hình/sản phẩm cấp trường, tăng 464 mô hình/sản phẩm tương đương 17% so với Cuộc thi lần thứ VI. Sau khi phân loại đánh giá cấp trường, Ban Tổ chức cấp huyện, thành phố nhận được 881 mô hình/sản phẩm tham dự. Sau khi sàng lọc, phân loại, đánh giá Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, thành phố gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh 160 mô hình/sản phẩm dự thi, tăng 40 mô hình/sản phẩm, tương đương 30% so với Cuộc thi lần thứ VI. Cũng như các Cuộc thi trước, lĩnh vực “Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế”, “Dụng cụ gia đình và đồ chơi trẻ em” chiếm phần lớn mô hình/sản phẩm tham dự. Lĩnh vực “Phần mềm tin học” và “Sản phẩm thân thiện với môi trường” có ít mô hình/sản phẩm tham gia. Tuy nhiên, chất lượng mô hình/sản phẩm tham gia Cuộc thi lần này đồng đều hơn, không có sự khác biệt lớn giữa các huyện, thành phố. Cũng trong kỳ tổ chức này, để động viên khuyến khích các em tham gia Ban Tổ chức đã thay đổi Thể lệ Cuộc thi lần thứ VII, ngoài các giải thưởng như các kỳ trước còn có thêm hai giải phụ nữa, đó là: “Mô hình/sản phẩm cho tác giả là người dân tộc thiểu số” và “Mô hình/sản phẩm cho tác giả thuộc vùng khó khăn”.
Sau khi xem xét, đánh giá, chấm các mô hình/sản phẩm. Ban Tổ chức Cuộc thi tỉnh đã chọn được 59 mô hình/sản phẩm trao giải, gồm: 03 giải Nhất; 06 giải Nhì; 20 giải Ba; 30 giải Khuyến khích và 04 giải phụ. Cụ thể: thành phố Ninh Bình đoạt 07 giải (02 giải Nhất; 03 giải Ba; 02 giải Khuyến khích); thành phố Tam Điệp đoạt 06 giải (02 giải Nhì; 01 giải Ba; 03 giải Khuyến khích); huyện Yên Khánh đoạt 07 giải (03 giải Ba; 04 giải Khuyến khích); huyện Hoa Lư đoạt 14 giải (01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 02 giải Ba; 09 giải Khuyến khích); huyện Kim Sơn đoạt 12 giải (01 giải Nhì; 06 giải Ba; 05 giải Khuyến khích); huyện Nho Quan đoạt 04 giải (02 giải Ba; 02 giải Khuyến khích); huyện Gia Viễn đoạt 05 giải (01 giải Nhì; 02 giải Ba; 02 giải Khuyến khích); huyện Yên Mô đoạt 04 giải (01 giải Ba; 03 giải Khuyến khích). Như vậy, số lượng Giải thưởng giữa các huyện, thành phố sự chênh lệch không nhiều. Để có được sự thành công này, Cuộc thi đã được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của UBND tỉnh và sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cấp ủy đảng chính quyền các địa phương là yếu tố quan trọng quyết định cho việc triển khai, thực hiện Cuộc thi thuận lợi, đạt kết quả cao. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Cuộc thi tỉnh với Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, thành phố trong triển khai, thực hiện. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến Thể lệ Cuộc thi, thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ nhà trường và các em từ khâu ý tưởng đến khâu hoàn thiện các mô hình/sản phẩm.
Để Cuộc thi sáng tạo thành công hơn, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Cuộc thi. Xem xét hỗ trợ kinh phí cần thiết cho các mô hình/sản phẩm có khả năng đoạt giải cao trong Cuộc thi tỉnh và toàn quốc. Cuộc thi cũng là tiền đề, tạo động lực cho các em say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, là môi trường phát huy tư duy sáng tạo từ đây biết ứng dụng những kiến thức được học vào trong thực tiễn của cuộc sống.
Đông Hà