Đây là lý do khiến thị trường tiêu thụ nấm dược liệu ngày càng được mở rộng, cung không đủ cầu nên giá bán các loại nấm dược liệu cao, nấm Hoàng chi có giá giao động từ 700.000-800.000 đồng/kg và luôn ở trong tình trạng khan hiếm hàng… Ở Ninh Bình, giống nấm mà một số hộ dân trồng hoàn toàn phải mua từ trung ương hoặc các địa phương khác, nấm dược liệu được trồng ở tỉnh cũng chưa có nghiên cứu, đánh giá về hàm lượng dưỡng chất nên chưa có kết luận. Với những lý do trên, thì việc nghiên cứu ra một quy trình nhân giống loại nấm quý này thực sự là một nhu cầu cần thiết.
Với nhiệm vụ khoa học của trung tâm, sau khi được trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nấm - Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị chuyển giao công nghệ đã cử chuyên gia trực tiếp hướng dẫn, giám sát, chỉ đạo sản xuất tại điểm triển khai mô hình, tham gia hoàn thiện quy trình. Thực hiện đào tạo tập huấn, kết hợp vừa hướng dẫn lí thuyết vừa thực hành và kết quả là đã cho ra một quy trình chuẩn cho việc nhân giống và trồng nấm Hoàng Chi và Vân Chi cụ thể, chính xác.
Diện tích nấm Hoàng Chi mà gia đình ông Trần Văn Tư được Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hỗ trợ về giống và kỹ thuật để trồng. Và gia đình ông sẽ được thu hoạch lứa 1 đối với 6.000 bịch nấm này. Theo ước tính, 6.000 bịch nấm này sẽ cho thu khoảng 72kg nấm Hoàng chi khô, trừ một số chi phí sản xuất, tiền lãi mà gia đình ông thu được khoàng hơn 50 triệu đồng. 6.000 bịch nấm này sẽ cho thu hoạch tiếp lứa 2 vào khoảng 40-45 ngày tiếp theo, và thu hoạch lứa 3 cách lứa 2 từ 45-50 ngày. Với khả năng phát triển hiện tại của nấm, thì ước tính sản lượng những lứa nấm tiếp theo sẽ đạt gần bằng lứa 1. Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đây thực sự là thu nhập tốt với người nông dân.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà nấm dược liệu mang lại, gia đình ông đang hướng tới việc mở rộng sản xuất, cụ thể là sau vụ thu hoạch nấm Hoàng Chi lần này, gia đình ông sẽ đầu tư thêm trang trại, nguyên liệu, thiết bị để mở rộng thêm khoảng 1.000m2 diện tích trồng thêm nấm Hoàng Chi và nấm Vân chi. Trước đây, do không có giống nấm trong tỉnh, nên gia đình ông phụ thuộc khá nhiều vào đơn vị cung cấp giống. Vì lý do trên, việc trồng nấm của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ, gia đình ông hoàn toàn có thể chủ động, vì giống nấm đã có thể mua tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình. Cùng với việc hỗ trợ về giống, thì trung tâm cũng luôn sát sao kỹ thuật với các hộ trồng để giúp người dân trồng nấm mang lại hiệu quả cao.
Không có nhiều kinh nghiệm về trồng nấm dược liệu, đây là năm đầu tiên gia đình chị Nguyễn Thị Kính - Xã Khánh Vân - huyện Yên Khánh trồng nấm Vân Chi. Mặc dù còn khá mới mẻ với gia đình chị, nhưng chị thực hiện đúng quy trình kỹ thuật mà kỹ sư phổ biến, chuyển giao nên những bịch nấm Vân Chi trong khu sản xuất của gia đình chị phát triển khá tốt.
Từ khi đề tài được thực hiện, đến nay Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ đã hỗ trợ cho 4 gia đình, với tổng sản lượng là; nấm Hoàng Chi là 325kg, nấm Vân Chi là 198kg, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi hộ. So với nuôi trồng nấm mộc nhĩ và một số loại nấm khác thì hiệu quả kinh tế khi nuôi trồng nấm Hoàng chi và Vân chi cao hơn. Qua những mô hình thử nghiệm cũng cho thấy, hầu hết diện tích nuôi trồng hai loại nấm này đều cho kết quả tốt; nấm không bị nhiễm bệnh, màu sắc đồng nhất, tốc độ sinh trưởng phát triển mạnh, khả năng thích ứng và phục hồi nhanh.
Hiện nay, do đời sống tăng cao, người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe nên nhu cầu sử dụng nấm Hoàng chi và Vân chi để phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe là rất lớn, ở Việt Nam, hàng năm phải nhập khẩu lượng lớn một số loại nấm như nấm Linh chi, Kim châm, nấm Đùi gà, nấm Hương,... từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Dự báo nhu cầu tiêu thụ nấm tiếp tục tăng, vì vậy việc nghiên cứu ra quy trình nhân giống và trồng nấm cùng với việc tự chủ giống nấm tại địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển trồng nấm dược liệu tại địa phương. Kết quả này cũng khẳng định khả năng của đội ngũ cán bộ, kỹ sư của trung tâm trong sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.
Áp dụng kỹ thuật mới trong nhân giống giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đưa giống nấm mới vào sản xuất còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phù hợp với yêu cầu sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tái sản xuất, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với quy trình cụ thể mà trung tâm đưa ra giúp cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân vận dụng vào sản xuất chính xác, hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đông Hà