Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Sắc diện Yên Lâm trước thềm năm mới

Thứ Năm, 31/01/2013
Vào một ngày trước thềm xuân Quý Tỵ, tôi lại có dịp trở lại Yên Lâm (Yên Mô) trong cái nắng cuối đông vàng óng như lụa phủ lên những thôn làng, những cánh đồng, dòng sông, ngọn núi nơi đây làm cho cảnh sắc đồng quê thêm mơn man huyền ảo. Bẵng đi mấy năm chưa về lại Yên Lâm mà vùng quê vốn một thời lam lũ, khó khăn nay đã vượt lên đổi thay đến kỳ diệu. Yên Lâm giờ đã mang một vóc dáng mới, một sắc diện mới, giàu đẹp, ấm lành. Dòng sông Bút, sông nhà Lê một thời dữ dằn giờ đã trở nên hiền hoà, êm đềm chảy.
 

Hai bên bờ sông đã được nâng cấp cải tạo, được bê tông hoá, vừa giúp chống bão lũ vừa là con đường phục vụ cho sản xuất, đời sống. Những con đường dẫn về những thôn làng, giờ đã được nhựa hoá, bê tông hoá. Không chỉ những công trình phúc lợi như trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND, trường học, trạm xá…được xây dựng bề thế, khang trang mà hầu hết nhà dân đã được ngói hoá, có trên 50 % là nhà mái bằng, cao tầng, nhà nào cũng có ti vi, xe máy và không ít nhà đã sắm được cả tủ lạnh, bếp điện, bếp ga. Nơi đây đã không còn vườn tạp, ao tù, những đống rác mục rữa bên đường làm nơi trú ngụ cho chuột bọ, vi trùng gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù đi vào xây dựng nông thôn mới chưa lâu, nhưng Yên Lâm đã có bước bứt phá khá tích cực. Người dân đã sớm xác định được mình là chủ thể và cũng là người đầu tiên thụ hưởng thành quả mà xây dựng nông thôn mới đem lại. Họ đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, tài sản trên đất, đóng góp hàng tỷ đồng để làm đường giao thông, làm nhà văn hoá, giao thông nội đồng. Yên Lâm đã tiến hành khá đồng bộ, vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu lao động, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp cho người dân nơi đây làm nên những kỳ tích mới trên đồng đất của mình cả về năng suất, sản lượng và giá trị thương phẩm. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện, của xã đã không quản nắng mưa bám dân, bám ruộng, đem những tiến bộ của công nghệ sinh học tổ chức chuyển giao, trình diễn nhiều mô hình mới để người nông dân chủ động nắm bắt, ứng dụng một cách có hiệu quả. Việc dồn điền đổi thửa đang nhận được sự đồng thuận của người dân. Đảng đang hướng cho họ tới những cánh đồng mẫu lớn, những phương thức thâm canh tiên tiến hơn. Đất đang thức dưới chân người, hứa hẹn những mùa vui, văn minh công nghiệp đang dần hiện hữu đến từng đường thôn, lối xóm. Dù con đường phía trước còn không ít thách thức cam go, nhưng những kết quả bước đầu đạt được trong xây dựng nông thôn mới đang tạo cho Yên Lâm có thêm những gam màu mới, hứa hẹn mới.

Thả những bước dài trên vùng quê bên Cửa thần phù xưa, những ký ức của một thời gian khổ lại quay về. Những gì mà Đảng bộ và nhân dân Yên Lâm làm được hôm nay càng thể hiện bản lĩnh của giải đất giàu truyền thống cách mạng, không cam chịu đói nghèo lạc hậu, những nỗ lực hết mình vẫn hiện hữu đâu đây theo dòng chảy của thời gian.

Giáp ranh với Kim Sơn (Ninh Bình) và Nga Sơn (Thanh Hoá), Yên Lâm (Yên Mô) là xã nằm nơi “đầu trời cuối đất” của huyện. Trong số 7000 dân có khá đông bà con theo đạo Thiên Chúa. Sau ngày tái lập tỉnh, vào kỳ giáp hạt, khi tết đến xuân về, Yên Lâm từng là địa phương đầu tiên được huyện nhắc đến trong việc trợ cấp khó khăn. Mùa mưa bão, nước từ dãy núi Đền Hộ đổ ào ào vào sông nhà Lê, sông Bút gây úng ngập cả một vùng. Nước trắng đồng, trắng bãi, cây khoai sắp cho củ, cây bắp sắp trổ bông, cây lúa đang độ trổ đòng chìm vào trong lũ. Cái khó, cái đói luôn rình rập, đe doạ bao số phận, bao con người. Khi cái khó, cái nghèo đang hiện hữu thì lo cái ăn, cái mặc đã đủ mệt, còn đâu để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trường học xuống cấp, đường sá cứ khấp khểnh “ổ trâu, ổ gà”, không ít gia đình có tới 5 đến 7 khẩu vẫn phải cư trú trong những căn nhà chật chội, mái tranh vách đất… Vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cả xã còn trên 25% hộ nghèo, trước đó đã có hàng trăm người bỏ quê, bỏ xứ vào tận Tây Nguyên, Nam Bộ để làm ăn…

Thực tế nghiệt ngã đó đã đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền Yên Lâm bao trăn trở, lo toan, cần sớm có những quyết sách, giải pháp nhanh chóng hoá giải những cản trở, khó khăn để vượt lên trong xây dựng và đổi mới quê hương. Gần 300 cán bộ, đảng viên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị đã sớm vào cuộc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã qua từng nhiệm kỳ đã đặt ra những mục tiêu, giải pháp có tính khả thi cao, đặc biệt bám địa bàn, bám cơ sở, tập trung huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhất cho sản xuất, đời sống. Cả xã ra quân làm thủy lợi nội đồng, gia cố đê kè, làm thêm công trình phục vụ tưới tiêu. Và tới nay, Yên Lâm đã có bước đi xa hơn trong làm giao thông nội đồng, kiên cố hoá kênh mương, đưa nước từ những dòng sông, từ những công trình thuỷ lợi vào đồng ruộng phục vụ có hiệu quả cho sản xuất…

Một thời vùng quê này đã nổi tiếng với những đặc sản như mật mía ở Đồng Đoài, Ngọc Lâm, rượu nếp ở Phù Sa, Nhân Phẩm… Đó là những thế mạnh được phát huy, Yên Lâm đã mạnh dạn đi vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, đổi mới thâm canh. Trong 1305 mẫu đất nông nghiệp, có 550 mẫu đất trồng cây màu đã từ 2 vụ trước đây, nay làm từ 3 đến 4 vụ… Vào thời điểm này toàn bộ diện tích canh tác của Yên Lâm đạt giá trị trên 90 triệu đồng/ha. Thành tựu bước đầu tuy còn khiêm tốn nhưng là tiền đề mở ra một tương lai rất khả quan. Những giống lúa mới vượt trội cả về năng suất và giá trị thương phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên đồng đất này. Từ năm 2007 trở lại đây, năng suất lúa bình quân đã vượt lên đạt từ  121đến 130 tạ/ha. Giờ về Yên Lâm 4 mùa là cả 4 mùa xanh.

Những năm gần đây, người Yên Lâm đã quên đi cái khái niệm “nông nhàn”, từ Nhân Phẩm, Phù Sa đến Hảo Nho, Đồng Đoài… ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã phát triển đều khắp. Đã có hàng chục tổ hợp, doanh nghiệp làm nghề khai thác đá, xây dựng, sản xuất hàng mộc dân dụng, làm hàng cói, nứa chắp, đan cài bèo tây, lúa non xuất khẩu…tạo việc làm cho 500 lao động chuyên và trên 1500 lao động không chuyên với thu nhập từ 800.000đ đến 1.500.000đ/ người/tháng.

Đời sống khá lên, người dân đã rộng vòng tay hơn, đóng góp vào xây dựng các công trình phúc lợi. Yên Lâm đã làm được nhiều việc, thực sự chuyển mình, làm thay đổi hẳn sắc diện một vùng quê vốn một thời đói nghèo lam lũ. Hiện cả 2 trường tiểu học, THCS đều đã xây cao tầng, trạm xá kiên cố, đường liên thôn, nội thôn được bê tông hoá, số còn lại được rải cấp phối... Đi đôi với xây dựng đời sống văn hoá, các thiết chế phục vụ cho văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cũng sớm được quan tâm, đầu tư… Ngoài sân vận động của xã, lãnh đạo còn dành cho các thôn một phần quỹ đất làm sân chơi thể thao, làm nhà văn hoá… Hầu như đoàn thể nào cũng có câu lạc bộ riêng của mình: câu lạc bộ “những người không sinh con thứ 3” của phụ nữ, câu lạc bộ “tiền hôn nhân”, “tuổi trẻ lập nghiệp” của đoàn thanh niên, câu lạc bộ thơ của người cao tuổi. Nhiều nội dung hoạt động phong phú bổ ích như luồng gió mới tạo nên một đời sống tinh thần lành mạnh. Những cựu chiến binh, những cán bộ dân chính, những thày cô giáo cao tuổi đã về nghỉ chế độ, có tín nhiệm với cộng đồng tham gia vào hoạt động hoà giải, khuyến học đã khơi dậy được truyền thống nhân văn đích thực, giúp con người biết hướng thiện, biết gạn đục khơi trong, gạt bỏ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ nhoi để xích lại bên nhau, cho tình gia tộc, xóm làng, anh em, đồng chí thêm trong sáng, ấm nồng. Nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, sinh hoạt tín ngưỡng được chính người dân thảo luận, biểu quyết đưa vào hương ước, quy ước đã tạo được sự đồng thuận và chấp hành khá nghiêm túc. Những hủ tục lạc hậu như ăn uống kéo dài đã không còn diễn ra trong tang chay, cưới xin. Văn hoá, văn nghệ vốn có truyền thống từ xưa nay được khơi dậy đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của lớp trẻ. Nhóm ca khúc của xã đã có một chương trình đủ phục vụ bà con vào dịp có những đợt sinh hoạt chính trị, những ngày lễ tết ở địa phương. Hoạt động thể dục thể thao đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, người cao tuổi thì đi bộ, tập dưỡng sinh; thanh thiếu niên thì chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Toàn xã hiện có một đội bóng đá thanh niên, 5 đội bóng đã thiếu niên, hàng chục nhóm bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng…. và hàng trăm gia đình thể thao.

Đây vốn là dải đất nằm bên cửa Thần Phù xưa vẫn còn lưu lại những đền đài và cả những huyền thoại đầy chất bi tráng, mang đậm bản sắc văn hoá dân gian, song cũng là nơi con người phải gánh chịu những thách thức nghiệt ngã của thiên nhiên để tự vượt lên, để trường tồn. Những con số ghi được ở Yên Lâm sau kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh đã khẳng định những thành tựu của Đảng bộ và bà con lương giáo ở đây đạt được trong sự nghiệp đổi mới.

Âm vang mùa xuân đang mang về cho Yên Lâm những giai điệu mới.

Ký: Lê Liêu

Các tin khác