Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Sự tích một con đường

Thứ Tư, 18/06/2014
 Bây giờ, mỗi ngày có đến hang nghìn lượt người đi bằng ôt ô, xe máy, xe đạp kể cả đi bộ trên con đường (dài khoảng 3km) bắt đầu từ đường Lê Hồng Phong đến tận cánh đồng Chằm thuộc xã Ninh Khang huyện Hoa Lư. Đó chính là con đường mang tên vị  Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, vị vua có công dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước tập quyền đầu tiên của đất nước ta, đưa Nhà nước Đại Việt đứng ngang với nước Đại Tống ở Trung Quốc thế kỷ thứ X.
 

 Thành phố Ninh Bình ngày nay lộng lẫy nguy nga, có nhiều tuyến đường rộng rãi, khang trang như các con đường mang tên các danh nhân của đất nước như: Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Nguyễn Huệ, Lương Văn Thăng…nhưng có lẽ hoành tráng nhất hiện nay là đường Đinh Tiên Hoàng. Đường kiến thiết hai chiều, ở giữa có dải phân cách, con đường được trải bê tông áp phan phẳng lỳ và rộng rãi, chen giữa khu trung tâm của thành phố. Những khu nhà cao tầng của các cơ quan vừa được dựng lên như cơ quan Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, quảng trường có tượng vua Đinh ở hai bên làm cho con đường càng thêm bề thế. Khi màn đêm buống xuống, ánh đèn điện trang trí đủ màu tỏa sáng lung linh, huyền ảo làm cho con đường thêm tráng lệ. 

Nhưng mấy ai biết được con đường lộng lẫy khang trang ấy được xây trên nền cốt của bờ dòng kênh mang tên “Quyết Thắng” của những năm 60 của thập kỷ trước. Thời gian thấm thoắt qua đi nửa thế kỷ, đúng vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt. Ngày nào cũng có hàng trăm lượt những chiếc máy bay của giặc Mỹ mang tên “thần sấm”, “con ma” đánh phá thị xã Ninh Bình. Chúng thường lao từ ngoài biển vào theo dòng sông Đáy, khi gần đến núi Cánh Diều thì vọt lên trút hàng ngàn tấn bom vào các mục tiêu như bến phà, cầu Non Nước, nhà ga, xe lửa và trận địa pháo cao xạ của quân đội ta.

Huyện Gia Khánh (tên cũ của huyện Hoa Lư ngày nay) vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Người dân bấy giờ luôn luôn nhắc nhau khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”..

Cánh đồng Chằm thuộc 3 xã Ninh Khánh (nay là phường Ninh Khánh) huyện Ninh Khang và xã Ninh Mỹ, là một trong những cánh đồng lúa của huyện Gia Khánh, có con đường số I chạy qua, cánh đồng rộng đến hàng nghìn mẫu. Đó là một trong những cánh đồng màu mỡ của 3 xã nói trên, nhưng không mấy năm được mùa vì chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Huyện ủy Gia Khánh bấy giờ đưa ra chủ trương phải đào được một con kênh với hai chức năng tiêu úng và tưới nước chống hạn cho lúa và hoa màu trên cánh đồng này, góp phần bảo đảm cuộc sống cho nhân dân và tăng cường chi viện cho tiền tuyến lớn. Chủ trương đề ra vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất huy động nhân công đào con kênh đó phải tới hàng vạn nhân lực từ 17 xã trong huyện (huyện Gia Khánh bấy giờ có 17 xã). Dù khó khăn gian khổ đến mấy, quyết tâm của toàn Đảng toàn dân đã đồng lòng, nhất trí phải làm cho kỳ được.

Ban Thường vụ Huyện ủy triệu tập Bí thư, Chủ tịch, Chủ nhiệm các Hợp tác xã trong toàn huyện cùng với các cơ quan, đoàn thể nòng cốt là thanh niên, dân quân tự vệ họp và bàn bạc, hạ quyết tâm đào bằng được con kênh, đó là ý chí quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và tên “Quyết Thắng” cũng được đặt cho con kênh đó. Bản đồ được vẽ ra, hoạch định phân ra từng đoạn cho từng xã và từng cơ quan trong huyện. Phương án đề ra là đào kênh phải hết sức khẩn trương. Dù đã huy động tổng lực, phải đào xong dòng kênh dài trên 3 cây số với số lượng hàng chục mét khối đất. Mọi người hồi hộp nín thở chờ được tiến hành vào đêm 30 rạng sáng ngày mùng 1 tết âm lịch khi phía bên kia bán cầu do sức ép của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc trong 24h, tức là từ 0h ngày 30 đến 0h ngày mùng 1 tết âm lịch. Năm ấy là năm 1968, thời gian chỉ có thế, mọi kế hoạch và sự chuẩn bị đã được tiến hành ở từng xã, từng hợp tác xã, từng cơ quan hàng chục ngày trước đó. Nào là con người với dụng cụ làm đất như mai, kéo, quang gánh, đèn đuốc. Nhiều xã gói bánh chưng, làm thịt lợn đem ra tận bờ kênh cho anh chị em vừa đào kênh vừa ăn tết. Ngay từ trưa ngày 30, từng đoàn người đi đào kênh đã bí mạt ém quân. Các xã Trường Yên, Ninh Giang, Ninh Hòa từ trên xuống; các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh An, Ninh Vân từ trong ra; các xã Ninh Phúc, Ninh Sơn, Ninh Phong từ dưới lên…Đúng giao thừa xã nào cũng có hàng chục chiếc đài radio vang lên lời Chúng mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gì bằng sức mạnh tinh thần của hàng vạn con người đã chuyển thành sức mạnh của vật chất, chỉ trong vòng 24h đồng hồ đến đêm ngày mùng 1 tết con kênh Quyết Thắng đã được đào xong với bề mặt con kênh trung bình là 15m, chiều sâu khoảng trên 3m, chiều dài bắt đầu từ cánh đồng Chằm chạy thẳng qua thị xã Ninh Bình và đổ ra sông Vân ở quãng chợ Rồng ngày nay. Từ ngày có con kênh ấy đã cơ bản giải quyết cho cánh đồng khâu tiêu úng và khâu tưới khi hạn. Sau này, có thêm trạm bơm Bạch Cừ với 12 máy, mỗi máy có công suất 1.000m3/giờ thì việc chống hạn và chống úng ở đây cơ bản được giải quyết.Con kênh ấy tồn tại suốt mấy chục năm. Từ khi tái lập tỉnh, nhất là thị xã Ninh Bình lên thành phố, đường xá được mở rộng, con kênh ấy được duy trì bằng cống ngầm đường kính gần 2m đặt ở giữa trên phủ đất trồng hoa chính là hàng phân cách của hai chiều đường. Thời gian đầu con đường còn mang tên “Quyết Thắng” đến khi thị xã Ninh Bình lên thành phố, con đường ấy được đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng như hiện nay.

Thời gian có sự kiện oanh liệt này tác giả đang ở độ tuổi 20, là cán bộ chủ chốt của Đoàn thanh niên huyện Gia Khánh. Mặc dù đã được trực tiếp tham gia đào kênh, nhưng khi viết bài này, tác giả cũng đã tìm gặp lại một số nhân chứng như để xác nhận lại trí nhớ của mình. Trong đó có bà Lê Thị Bích Luận, nay đã ở tuổi ngoài 60, thời gian đó bà là Bí thư xã đoàn Ninh Thành, nơi trung tâm của con kênh Quyết Thắng chạy qua. Bà kể thêm “thời gian đó đoàn thanh niên và dân quân xã Ninh Thành được giao đoạn gần như khó khăn nhất vì là đơn vị sở tại. Khi đào đến đoạn “phố Vịt” bây giờ, anh chị em còn thấy hàng chục bộ hài cốt của những người vô gia cư. Theo bà con địa phương kể lại thì đó là những người bị chết đói năm 1945 ở thị xã Ninh Bình chôn chung ở cái hố tập thể ấy….chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”

Thắm thoắt đã qua gần nửa thế kỷ, nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thành phố Ninh Bình, thành phố lên đô thị loại II, tác giả thấy cần ôn lại với các bạn trẻ về sự tích một con đường./.
 
Nguyễn Khắc Thiệu
 
 
 
 

 

Các tin khác