Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tăng phí, tăng bất ổn về kinh tế vĩ mô

Thứ Tư, 11/04/2012
     Khi được hỏi về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tăng các loại phí, PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, đã phải thốt lên rằng: “Chưa khi nào thu phí dồn dập đến thế!”.

Ảnh minh họa

      Chuyên gia kinh tế này tỏ rõ sự lo lắng vì việc tăng phí “quá sốc” so với thu nhập của người dân mà chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.
      Theo ông Thanh, từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới cho đến giờ, chưa khi nào có nhiều loại phí đánh trên đầu phương tiện giao thông như giai đoạn này. Đã có lần, vào năm 1994, khi thấy có quá nhiều loại phí, Chính phủ đã cho phép xóa bỏ một số loại phí. Trước tình trạng các quy định về thu phí ban hành rời rạc nhiều, Bộ Tài chính đã có lần rà soát và chuyển một số loại phí sang hình thức thu phí dịch vụ.
      Thế nhưng, trong lúc kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát ở mức cao, thì thông tin về việc tăng phí và “đẻ” thêm các loại phí cho phương tiện tham gia giao thông đã khiến nhiều người dân “hoang mang”.
      Từ ngày 1/6 tới, khi việc thu phí bảo trì đường bộ được thực hiện, người mua xe sẽ phải chịu tổng cộng 3 loại thuế và 7 loại phí, bao gồm: phí trước bạ, phí biển số, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn, phí bảo trì đường bộ. Đó là chưa kể 2 loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí vào nội đô giờ cao điểm (áp dụng tại Hà Nội và Tp.HCM) mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ. Mức phí theo đề xuất là khá cao: từ 20 - 50 triệu đồng/xe ôtô/năm; từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng/xe máy/năm.
      Nếu Chính phủ thông qua đề xuất về những loại phí mới trên thì một người đi ôtô con phải trả cố định vài chục triệu đồng mỗi năm, bên cạnh chi phí xăng xe, bến bãi đang có xu hướng tăng. Đáng lưu ý, trong kế hoạch thu phí lưu hành phương tiện, Bộ GTVT còn đề xuất tăng giá hàng năm thêm 5%, gọi là bù đắp trượt giá.
      Đề xuất tăng phí giao thông chưa biết có cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và hạ tầng xuống cấp hay không, nhưng nó đã tăng thêm gánh nặng cho những người dân ở các đô thị lớn. Thu nhập không tăng lên, lạm phát tăng cao đã khiến đời sống của người dân ngày càng khó khăn hơn.
      Theo cách nói hài hước của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, thì khi các khoản phí liên tục tăng, người dân sẽ phải “bóp mồm, bóp miệng”, hạn chế các chi tiêu khác. Mà khi người dân không chi tiêu nhiều, giá thành sản xuất sẽ bị đội lên, sức mua của nền kinh tế sụt giảm mạnh. Đương nhiên, đầu ra cho nhiều ngành sản xuất sẽ đều khó khăn.
      Ông Doanh cho rằng chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới do việc quản lý chi phí đầu tư không hiệu quả. Nếu lấy lý do huy động vốn góp của dân để đầu tư phát triển thì không biết bao nhiêu cho đủ. Hơn thế, Việt Nam sẽ sớm vào danh sách quốc gia có thuế và phí nặng, làm giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.
      Do đó, theo ông Thanh, một số quốc gia sử dụng biện pháp kinh tế để điều tiết hành vi của người dân. Nhưng trong điều kiện hiện nay, Chính phủ nên tính toán kỹ lưỡng việc tăng thuế và phí đối với các phương tiện, xe ôtô, tránh đưa ra một mức phí “quá sốc” so với mức thu nhập của người dân hiện nay.
      Việc tăng phí chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, còn về lâu dài, phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu giao thông và thực trạng của giao thông Việt Nam, phải có biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao ý thức của người dân… Nếu không, việc “sáng tạo” các loại phí giao thông mới và tăng mức thu hàng năm sẽ là công việc thường xuyên phải làm của ngành giao thông!

VT theo Thời báo Kinh doanh 28/3/2012

Các tin khác