Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc

Thứ Ba, 06/10/2015
Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình là trường đào tạo nghề ở ba cấp trình độ: Sơ cấp nghề, Trung cấp nghề và Cao đẳng nghề, gồm có các nghề lái xe ô tô thi công, lái máy xúc ủi, cơ điện, cắt gọt kim loại, kế toán... Lái máy xúc là một nghề truyền thống của nhà trường từ những năm đầu mới thành lập trường (1970) đến nay, hàng năm đào tạo và tốt nghiệp ra trường hàng nghìn công nhân, đã và đang làm việc ở phần lớn các công trình xây lắp, thủy lợi trên các địa bàn cả nước.

Với phương pháp học lái máy xúc hệ trung cấp nghề, người học sau khi học lý thuyết nghề trong thời gian 5 tháng, được xuống xưởng học thực hành theo các module. Người học được giáo viên hướng dẫn các quy trình vận hành lái máy xúc, thực hành thực tế trên máy xú. Vì học thực hành trên máy ngay sau khi học lý thuyết, người học chưa có kỹ năng điều khiển các thao tác nên dễ gây tai nạn khi vận hành máy. Hơn nữa thời gian học thực hành trên máy dài gây lãng phí và tốn kém nhiên liệu trong giai đoạn đầu khi các em làm quen với các thao tác trên máy, nhà trường lại phải bố trí nhiều máy để đủ cho người học và học sinh không tranh thủ được thời gian học theo ý muốn của người học.

Từ những lý do trên mà thầy giáo Ninh Đức Hùng cùng cộng sự của mình đã nghiên cứu và chế tạo ra “Thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc” nhằm giúp học sinh sau khi học xong phần lý thuyết nghề thì người học có thời gian thực hành các thao tác trên thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc trước khi chuyển sang trên máy xúc thật. Như: co duỗi gầu, nâng hạ gầu, quay trái, quay phải, di chuyển tiến, di chuyển lùi, xúc đất…. thời gian học trên “Thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc” khoảng 1 tháng tùy thuộc vào lưu lượng người học trên một thiết bị. Sau khi người học vận hành quen và thuần thục các thao tác của máy xúc ảo thì được chuyển sang học thực hành trên máy xúc thật, giai đoạn này người học đã có kỹ năng đầy đủ của người lái máy xúc, vì vậy có thể tiếp cận và vận hành dễ dàng hơn khi được tiếp cận với các thiết bị trên máy xúc thật.

Cấu tạo của thiết bị bao gồm: 1 PC có cấu hình tương đương Core I5; 01 màn hình tivi LG Led Full HD 42 inch; 01 hộp chuyển tín hiệu điều khiển kỹ thuật; 01 khung thép, ghế ngồi lái, giá treo tivi; các thiết bị điều khiển. Ghế điều khiển và các tay cần điều khiển được chế tạo và bố trí ở các vị trí như với máy xúc thật và có thể chuyển đổi các tín hiệu điều khiển để tương ứng với các loại máy xúc ngoài thực tế mà chúng ta cần mô phỏng. Kết quả của các thao tác được hiển thị đồng thời trên một màn hình lớn và các loa phát ra âm thanh của tiếng máy, thiết bị là một sản phẩm kết hợp sử dụng những cơ cấu cơ khí tác động lên các lệnh để gửi tín hiệu điều khiển cho máy tính làm việc theo ý muốn. Thiết bị được chia làm hai phần chính phần cứng và phần mềm và thiết bị có thể tích hợp nhiều phần mềm mô phỏng khác nhau chạy trên PC. Tổng chi phí cho sản phẩm này là 45 triệu đồng. So với sản phẩm cùng loại nhập khẩu của nước ngoài thi giá thành của nó chỉ bằng 1/5 sản phẩm của nước ngoài.

Mô hình sau khi hoàn thành đã được đưa vào sử dụng trong việc giảng dạy và thực hành trong nhà trường đã mang lại hiệu quả cao giúp người học điều khiển được các thiết bị trong ca bin như trong máy xúc ngoài thực tế do vậy rút ngắn quá trình hình thành kỹ năng nghề, tạo sự hấp dẫn trong quá trình học. Người học được làm quen dần với các thiết bị điều khiển của máy xúc, an toàn trong khi học thực hành, có thể thực hành bất cứ thời gian nào, hoặc bất cứ ở đâu nếu có “Thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc”.

Người học thực hành tại gia đình

Xét về mặt hiệu quả kinh tế của việc cho người học thực hành trên máy xúc thật chạy bằng nhiên liệu dầu diezen một tháng so với việc cho người học thực hành trên thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc, sau khi tính toán nếu sử dụng máy xúc thật một tháng sẽ mất tổng chi phí là 22.316.800đ, còn đối với dùng thiết bị ứng dụng phần mềm mô phỏng lái máy xúc là 2.176.000đ. Như vậy mỗi tháng nhà trường sẽ tiết kiệm được 20.140.800đ.

Với thiết bị mô phỏng lái máy xúc này thì có thể áp dụng được cho tất cả các cá nhân các trường dạy nghề trên cả nước, thời gian sử dụng thiết bị lâu dài như các loại máy khác (trên 10 năm), thiết bị thân thiện với môi trường vì không có khí thải, đặc biệt là giảm chi phí trong quá trình đào tạo.

Ngọc Anh

Các tin khác