Xuất phát từ thực tế đó, thày giáo Nguyễn Văn Hải đã nung nấu ý tưởng thiết kế chế tạo mô hình máy và bàn thực hành cắm bấc thấm (thu nhỏ toàn cảnh công trường thi công và máy cắm bấc thấm vào phòng học chuyên ngành của trường để triển khai giảng dạy, luyện tập hình thành kỹ năng nghề vận hành cắm bấc thấm cho học sinh ngay tại trường), trước khi đưa học sinh đi thực tập trên máy thực tế. Với mục tiêu thiết kế, chế tạo mô hình máy cắm bấc thấm có các khâu, khớp và cơ cấu máy hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào nhau, để liên kết được với mô hình máy xúc truyền động cơ khí, phụ vụ công tác giảng dạy, luyện tập kỹ năng nghề vận hành máy cắm bấc thấm, khắc phục tình trạng dạy chay học chay hiện nay. Đặc biệt với việc chế tạo ra chiếc máy này sẽ đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong công tác giảng dạy của thày và thực hành hình thành kỹ năng nghề cho học sinh.
Mô hình máy cắm bấc thấm được thiết kế và chế tạo bằng các vật liệu phổ thông, rẻ tiền. Có hình dáng cấu tạo và nguyên lý hoạt động đúng như máy cắm bấc thực tế và được thiết kế nhỏ gọn, màu sắc trang nhã. Máy được thiết kế gồm: thân máy: dạng hộp vuông chế tạo bằng kẽm với kích thước 50mmx50mm, tổng chiều dài 1150mm. Đầu trên thiết kế hai tai liên kết với đầu trên của cần máy xúc trục lắp ròng rọc và tai liên kết với đối trọng của tời nâng dùi. Đầu dưới chế tạo một ray trượt liên kết với đầu cần đẩy của xilanh lực điều chỉnh góc đứng (độ vuông góc của thân máy với mặt phẳng ngang). Trong thân lắp dùi cắm bấc, hoạt động bằng hệ thống tời cáp thông qua hệ thống ròng rọc dẫn hướng. Phần giữa thân máy gia công cửa sổ cùng hai con lăn dẫn hướng cho bấc đi vào dùi và tai liên kết với ròng rọc dẫn hướng cáp kéo tới đối trọng trong thân cần máy cơ sở. Các đối trọng giữ chức năng duy trì độ căng của cáp kéo và cáp nâng dùi. Ngoài ra còn có phần dùi vắm bấc được chế tạo bằng ống inox đường kính 10mm, dài 70mm; bàn thực hành cắm bấc được chế tạo gồm khung và phần bao bọc phía ngoài khung bàn; có thùng chứa cát bằng tôn tráng kẽm dày 0,5mm, kích thước 950mmx450mmx450mm. Ngoài ra còn có bộ phận di động với khung ray và cổ quay và khung phần di động.
Như vậy với việc chế tạo máy cắm bấc thấm với mô hình tổng thể liên kết với máy xúc truyền động cơ khí và bàn thực hành cắm bấc mang tính trực quan và khả năng ứng dụng cao. Đối với giáo viên, trong quá trình giảng dạy các phần lý thuyết liên quan sử dụng để giảng dạy về đặc điểm hình dáng cấu tạo, quan hệ lắp ghép, nguyên lý hoạt động… Đối với học sinh sử dụng mô hình để nghiên cứu sơ đồ và quy trình lắp đặt các cụm chi tiết, cơ cấu máy. Trong quá trình giảng dạy thực hành, khi giáo viên trình diễn các thao tác mẫu trên bàn thực hành căm bấc thấm, hoặc cabin thực hành máy xúc, thì mô hình máy cắm bấc thấm mô phỏng hoạt động như máy thực tế, tương ứng với từng thao động tác điều khiển của người lái máy. Học sinh luyện tập các thao động tác cơ bản theo quy trình vận hành và luyện tập thường xuyên cho tới khi hình thành được kỹ năng nghề vận hành thành thạo một chu kỳ làm việc của máy cắm bấc thấm.
Với việc tạo ra chiếc máy này thày giáo Nguyễn Văn Hải đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho các học sinh và nhà trường so với trước đây phải đi thuê máy và địa điểm. Đặc biệt với việc được thực hành trên máy sẽ giúp học sinh hình thành kỹ năng vận hành máy nhanh hơn, đồng thời với việc kết hợp giữa học và hành sẽ tạo động lực thu hút học sinh vào với niềm say mê học tập.
Mô hình tổng thể máy cắm bấc thấm liên kết với máy xúc truyền động cơ khí và bàn thực hành cắm bấc thấm áp dụng được vào thực tiễn giảng dạy và luyện tập kỹ năng nghề cho học sinh các hệ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề vận hành máy thi công nền, đối với tất cả các trường và cơ sở đào tạo nghề vận hành máy thi công nền trên toàn quốc. Đặc biệt, tại trường cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt Xô đã áp dụng vào giảng dạy tại hệ trung cấp nghề vận hành máy thi công nền, theo chương trình chỉnh sửa áp dụng vào giảng dạy cho các lớp khóa 18, Modul MĐ26: Bảo dưỡng và vận hành máy cắm bấc thấm. Ngoài ra, đối với các cá nhân muốn luyện tập kỹ năng nghề có thể tự luyện tập để hình thành kỹ năng nghề vận hành máy thông qua chỉ dẫn trình tự các thao động tác trong bảng quy trình vận hành và hệ thống tín hiệu kiểm tra độ chuẩn xác của từng thao tác mà không cần sự có mặt của giáo viên hướng dẫn (học sinh hoàn toàn có thể chủ động tự học).
Cuối cùng có thể khẳng định, đây là một giải pháp có khả năng ứng dụng cao và đã được trực tiếp kiểm nghiệm tại trường Cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt Xô.
Phạm Anh