Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình

Thứ Sáu, 29/04/2016
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một đơn vị, bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, bên cạnh phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Với mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thường thẳng tay cắt bỏ những chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường, Một số doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò của việc bảo vệ môi trường, nhất là với những lĩnh vực sản xuất dựa trên nhu cầu tiêu thụ tài nguyên, đồng thời tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhất lên môi trường qua khối lượng chất thải.

Một số doanh nghiệp tuy ý thức được vấn đề cần bảo vệ môi trường, song lại khó khăn trong nguồn lực để chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường. Để có thể khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên, nhiên liệu, cũng như xử lý triệt để chất thải, doanh nghiệp cần trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đi kèm với nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý và vận hành hệ thống này. Thực tế đó, đòi hỏi nhiều giải pháp sáng tạo trong hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công nghệ sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao năng suất và cải thiện môi trường làm việc cho công nhân.

Là một trong những doanh nghiệp có thị phần phân lân lớn tại Việt Nam, bên cạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình luôn ý thức gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Xác định sản xuất phân bón là ngành ảnh hưởng nhiều đến môi trường, do tiêu thụ trực tiếp tài nguyên than, đồng thời tác động lên bầu khí quyển qua khối lượng chất thải lớn, do đó Ban Giám đốc Công ty ngay từ đầu đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất phân lân.

Lò đang hoạt động

Công ty đã xây dựng Đề án bảo vệ môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận. Đề án đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo thiết bị, máy móc, quy trình vận hành thiết bị công nghệ để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đề án đã được triển khai nhanh chóng trong các khâu sản xuất và đạt hiệu ứng tốt, từ đó giảm mức tiêu hao nhiên liệu, điện năng, bảo vệ môi trường. Trước đây, mặc dù đã có ý thức bảo vệ môi trường song trong quá trình sản xuất phân lân, giai đoạn xử lý chất thải vẫn còn những chưa triệt để, dẫn đến khí thải còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Trong quá trình sản xuất phân lân nung chảy bằng công nghệ lò cao còn tồn tại một số vị trí phát sinh khí ô nhiễm ra ngoài môi trường đó là: vị trí 2 cửa lò, đỉnh lò, nên khu vực xung quanh lò cao vẫn còn phát hiện ra các mùi khí lò cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công nhân và tác động xấu đến môi trường. Trước thực trạng đó, tác giả Phạm Mạnh Ninh và nhóm tác giả của công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình đã đưa ra sáng kiến lắp đặt chụp hút để thu hồi và xử lý triệt để khí phát tán cửa lò, đỉnh lò, không để phát tán khí ô nhiễm ra môi trường xung quanh trong công nghệ sản xuất phân lân nung chảy bằng lò cao. Chụp hút cửa được chế tạo bằng thép tấm dày, trên thân chụp có cửa thao tác trượt trên ray, có thể đóng mở dễ dàng, thuận tiện cho các thao tác. Đồng thời, để xử lý triệt để khí CO thải ra môi trường bên ngoài, nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu lắp đặt thêm 1 lò đốt CO cho lò cao số 1, 2, 3 để tận dụng tối đa nhiệt sấy gió nóng vào lò, giảm than, giảm ô nhiễm môi trường…

Thiết bị chụp hút cửa lò do công ty nghiên cứu, chế tạo

Với chất thải rắn, Công ty đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý tái sử dụng 100% chất thải rắn thành nguyên liệu cấp cho sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện thành công chương trình tiết kiệm vật tư sản xuất đã đề ra. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, công ty đã tập trung tìm ra nhiều giải pháp tiết kiệm nguyên, nhiên liệu than điện…, đồng thời tận dụng, xử lý triệt để chất thải. Đối với việc xử lý bụi trong quá trình sản xuất phát sinh chủ yếu từ các công đoạn sấy, nghiền, đóng bao phân lân nung chảy, Công ty đã lắp đặt thiết bị chụp hút, thu gom bụi bằng hệ thống quạt hút, lắng lọc bụi. Cùng với đó, Công ty đã đầu tư các thiết bị kiểm tra, giám sát về môi trường sản xuất như thiết bị đo khí, phòng đo hóa phân tích; đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển sản phẩm nhập kho, thay thế xe nâng, nhằm giảm bụi, cải thiện điều kiện môi trường làm việc trong kho, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân...  Từ năm 2013, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống lọc bụi hệ nghiền lân, thay thế hệ thống cũ siclon khô và tháp rửa bằng hệ thống lọc bụi tay áo; thực hiện đổi mới công nghệ chạy lò, giảm tiêu hao than, bảo đảm môi trường; tập trung thu hồi triệt để các chất thải rắn để bổ sung nguồn nguyên liệu tái chế sản xuất, thực hành tiết kiệm vật tư, nguyên nhiên liệu, năng lượng trong chi phí sản xuất... Đối với khâu xử lý nước thải, Công ty đầu tư lắp đặt thiết bị hòa vôi, cấp sữa vôi để xử lý khí thải, nước thải lò cao, bảo đảm tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đầu tư xây lắp các thiết bị bể lắng có dung tích 2.000 m3 để lắng lọc nước thải, thu hồi chất rắn, bảo đảm môi trường trong khu vực. Nước thải sau xử lý được tuần hoàn tái sử dụng một phần cho công đoạn rửa nguyên liệu, rửa bụi trong các tháp, do vậy giảm tối đa lượng nước thải ra môi trường. Ngoài ra, bùn lắng thu hồi từ các bể lắng được Công ty vận chuyển đi tái chế, cùng với bột quặng đưa vào lò cao sản xuất ra bán thành phẩm, giúp Công ty tiết kiệm chi phí đầu vào, tránh lãng phí. Điều đặc biệt, những ứng dụng khoa học công nghệ này đều giúp cải thiện môi trường làm việc độc hại cho người công nhân, giúp người lao động yên tâm làm việc tại doanh nghiệp.

Từ những kinh nghiệm thực tế áp dụng khoa học công nghệ mới vào bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình có thể thấy những cải tiến trong khoa học công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đông Hà

Các tin khác