Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Ứng dụng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị bệnh nhân nhịp chậm có triệu chứng

Thứ Ba, 29/10/2019
Rối loạn nhịp tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bệnh tim mạch. Trong điều trị rối loạn nhịp cùng với việc sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp, sốc điện, triệt bỏ cầu dẫn truyền phụ bằng sóng cao tần thì cấy máy tạo nhịp đóng vai trò quan trọng. Tạo nhịp tim là một máy phát xung điện theo một tần số để kích thích tim bóp theo tần số đó.

Nhận biết được vai trò quan trọng của việc điều trị rối loạn nhịp tim cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ điều dưỡng gồm: Đào Hồng Quân, Đỗ Văn Tuấn, Nguyễn Thị Kiều Vân, Trương Văn Lai, Lê Anh Tuấn – Khoa tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã ứng dụng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị bệnh nhân rối loạn nhịp chậm. Giải pháp này đã được nhóm tác giả tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ IX(2018-2019).

Trên thế giới tạo nhịp tim đầu tiên vào năm 1932. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử, điện sinh lý học đã làm cho máy tạo nhịp có bước tiến vượt bậc: từ máy tạo nhịp ngoài cơ thể cải tiến máy tạo nhịp một buồng cấy trong da đến máy tạo nhịp hai buồng, ba buồng có thể kết hợp với sốc điện chuyển nhịp.

Hằng năm trên thế giới có trên 400.000 máy tạo mới được cấy ở khắp các trung tâm trên thế giới. Tại Mỹ có khoảng 450.000 bệnh nhân sống chung với máy tạo nhịp.

Ở Việt Nam, điều trị bằng cấy máy tạo nhịp tim đã được nghiên cứu ứng dụng lần đầu tiên năm 1973 bởi các tác giả Vũ Văn Đính, Trần Đỗ Trinh, Đặng Hanh Đệ, tiếp đó là Nguyễn Mạnh Phan và một vài tác giả khác.

Từ trước 2016, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình bệnh nhân nhịp chậm được điều trị chủ yếu bằng nội khoa và chuyển tuyến trên đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Vì vậy, triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Ninh Bình là cần thiết. Máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường. Máy sẽ được cấy vào dưới da ngực bệnh nhân, dây điện cực được luồn theo mạch máu vào buồng tim, cố định trong buồng tim. Nếu nhịp tim của bệnh nhân bình thường, máy sẽ ở trạng thái chờ, nếu nhịp tim của bệnh nhân chậm, máy sẽ phát nhịp thay thế.

Cấu tạo hệ thống máy tạo nhịp tim gồm 3 bộ phận cấu thành:

1. Bộ phận điều khiển

Thân máy tạo nhịp là bộ phận chính của hệ thống tạo nhịp có hai chức năng chính là kích thích và nhận cảm.  Tuy nhiên máy tạo nhịp hiện nay có nhiều tính năng hơn nhằm bắt chước hoạt động điện cảu quả tim bình thường. Gồm: Vỏ máy, đầu máy, pin điện Lithium –Iodine và mạch điện tử hỗn hợp.

2. Dây điện cực

Là thành phần rất quan trọng trong hệ thống tạo nhịp. Chức năng của dây điện cực là truyền các xung điện từ máy tạo nhịp đến tổ chức cơ tim được kích thích, thu nhận và truyền về các tín hiệu điện từ cơ tim về máy tạo nhịp theo chức năng của máy tạo nhịp đã được lập trình. Một dây điện cực thông thường bao gồm: Thân dây điện cực, đầu điện cực kích thích tim, dây đơn cực, dây hai cực. (Đối với bệnh nhân nhi hoặc bệnh nhân người lớn không thực hiện được qua đường nội mạc, hoặc cần lấy máy ngay lúc mổ tim hở, phải dùng dây thượng tâm mạc. Dây được cố định bằng phần vít cắm vào cơ tim qua thượng tâm mạc có trục vuông góc với trục dây.  Ngoài ra có một lưới teflon quanh vít có tác dụng khi cắm vào thượng tâm mạc, lớp teflon này áp sát và được khâu đính vào thượng tâm mạc, sau một thời gian sẽ được tổ chức hóa tạo sự cố định vững chắc hơn.

3. Máy lập chương trình

Máy lập chương trình để kiểm tra máy tạo nhịp và lập chương trình hoạt động của máy tạo nhịp.

Như vậy việc áp dụng thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị bệnh nhân nhịp chậm có triệu chứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần cứu chữa bệnh nhân kịp thời, thời gian điều trị được rút ngắn; giảm chi phí điều trị, bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên. Từ đó tạo được niềm tin của người bệnh đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình nói riêng và ngành y tế Ninh Bình nói chung.

Bằng lòng yêu nghề, tài năng và tâm huyết, đội ngũ nhóm y bác sĩ, tác giả của giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị bệnh nhân nhịp chậm có triệu chứng” đã góp thêm sức mình để giúp các bệnh nhân trong công tác chữa bệnh một cách hiệu quả.

Bích Đào

Các tin khác