Banner chính
Thứ Năm, 25/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Ứng dụng kỹ thuật ghép xương sau nhổ răng 8 và mổ U nang xương hàm

Thứ Ba, 24/01/2017
Trước năm 2013, tại Bệnh viện Ninh Bình các trường hợp Bệnh nhân nhổ răng số 8 và phẫu thuật mổ bóc u nang xương hàm có một đặc điểm chung là sau phẫu thuật quá trình liền xương diễn biến chậm. Cấu trúc bình thường của xương hàm thường bị biến dạng, lỗ hổng, rộng tại mặt xa răng số 7 khó hồi phục nhưng chưa có giải pháp cụ thể nào giải quyết tình trạng này. Cũng chính vì lý do đó mà Bác sĩ Phạm Văn Hiền cùng cộng sự của mình, đã tiến hành phương pháp ghép xương ngay sau nhổ răng số 8 và u nang xương hàm tại khoa Răng - Hàm - Mặt bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Ghép xương là một trong những kỹ thuật có mục đích giúp tái tạo phục hồi nhanh chóng các thiếu hụt, khuyết hổng xương sau chấn thương, cắt bỏ u nang xương, quanh các implant, quanh răng. Vật liệu ghép xương thường dùng bao gồm: xương tự thân và xương nhân tạo.

- Ghép xương tự thân: Xương được lấy ra từ một phần khác của chính cơ thể bệnh nhân (xương ở hông, xương hàm, xương cằm, xương sọ) ghép vào nơi thiếu xương. Kiểu ghép xương này, thường là có thể thấy trước được kết quả bởi vì nó đã là một thành phần vốn có trong cơ thể của bệnh nhân.

- Xương nhân tạo: được sử dụng là bột xương đông khô, bột xương khử khoáng (hBP), do Trung tâm bảo quản mô - Bộ môn Mô, Trường Đại học Y Hà Nội sản xuất.

Sau đó, dựa trên nghiên cứu về vấn đề cấy ghép xương đã được áp dụng trên thê giới và các bệnh viện lớn trong nước và từ nhu cầu thực tế trên lâm sàng. Ngay sau khi làm phẫu thuật nhổ răng 8 và mổ bóc u nang xương hàm, thì nhóm tác giả tiến hành ghép xương.

Bước 1: Trộn bột xương và máu của bệnh nhân tạo thành hỗn hợp bột xương và máu.

Bước 2: Đưa hỗn hợp bột xương và máu đã trộn lấp đầy vùng xương bị khuyết hổng.

Bước 3: Khâu tổ chức phần mềm che kín vùng xương đã được ghép.

Kết quả bước đầu cho thấy, liền thương phần mềm trên hai lô bệnh nhân chiếm 100%, trên lô bệnh nhân phẫu thuật không được ghép xương tỷ lệ biến dạng cấu trúc xương là 100%, trên lô bệnh nhân phẫu thuật được ghép xương tỷ lệ biến dạng cấu trúc xương là 0%.

Áp dụng phương pháp này, đẩy nhanh quá trình liền xương sau phẫu thuật, giảm tỷ lệ biến dạng cấu trúc xương hàm, giảm biến chứng hở mặt xa răng số 7, phương pháp thực hiện đơn giản, được lồng ghép ngay sau phẫu thuật, giảm thiểu tối đa thời gian tránh việc bệnh nhân phải phẫu thuật nhiều lần và giảm chi phí khi phẫu thuật đi phẫu thuật lại. Phương pháp này sử dụng vật liệu là bột xương đồng loại, giảm thiểu tối đa nhược điểm khi sử dụng xương tự thân là số lượng xương hạn chế, bệnh nhân phải chịu thêm tổn thương nơi khác, thời gian phẫu thuật và hậu phẫu kéo dài.

Với phương pháp ghép xương ngay sau nhổ răng 8 và phẫu thuật mổ bóc u nang xương hàm, lồng ghép hai phẫu thuật trong một, tránh cho bệnh nhân một cuộc phẫu thuật. Mà mỗi ca phẫu thuật loại I như phẫu thuật cấy ghép xương theo quy định hiện hành chi phí từ 1.000.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Phương pháp “Ghép xương ngay sau nhổ răng 8 và mổ u nang xương hàm” thực hiện đơn giản, dễ dàng. Vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền do sử dụng vật liệu trong nước. Phẫu thuật được lồng ghép ngay sau phẫu thuật nhổ răng 8 và mổ bóc u nang xương hàm không mất thời gian phẫu thuật nhiều lần, tiết kiệm thời gian cho cả bệnh nhân và phẫu thuật viên, phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế khám chữa bệnh có đủ điều kiện và trang thiết bị.

Từ khi áp dụng phương pháp ghép xương ngay sau nhổ răng 8 và mổ u nang xương hàm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã điều trị cho trên 150 trường hợp bệnh nhân và đem lại kết quả khả quan. Với phương pháp phẫu thuật này, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm điều trị, tránh tâm lý lo sợ cho người bệnh và tránh phiền hà khi phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Ngọc Anh

Các tin khác