
1. Ký gửi hàng trên xe khách phải cung cấp số căn cước công dân
Nghị định 47/2022 có hiệu lực từ 1/9 quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi ôtô phải yêu cầu người gửi cung cấp: Tên hàng, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư hoặc căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Ngoài ra, Nghị định 47 cũng bổ sung quy định không sử dụng ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách (xe limousine). Không sử dụng ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Những xe limousine được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9 vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Còn những xe limousine được cải tạo từ ngày 01/9 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.
2. Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư 42/2022/TT-BTC ngày 06/07/2022 của Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật có hiệu lực kể từ 01/9/2022.
Theo Thông tư, tăng mức chi soạn thảo văn bản đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch, nghị định của Chính phủ: quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư .
3. Các khoản hỗ trợ chi trả trực tiếp cho người có công với cách mạng
Theo Điều 5 Thông tư 44/2022/TT-BTC, người thụ hưởng chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người tham gia kháng chiến được nhận trực tiếp các khoản hỗ trợ sau:
- Chi phí điều dưỡng và phục hồi sức khoẻ tại nhà;
- Chi phí hỗ trợ mua dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết;
- Trợ cấp ưu đãi về giáo dục;
- Chi phí hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sỹ; chi phí hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sỹ;
- Chi phí trợ cấp 01 lần khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân của liệt sỹ/người thừa kế của liệt sỹ;
- Các khoản trợ cấp mai táng và trợ cấp thờ cúng liệt sỹ;
- Tiền ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, bệnh binh và những người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B tổn thương cơ thể từ 81% đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Tiền mua Báo Nhân dân cho người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945;
- Chi quà tặng của Chủ tịch Nước.
4. Ghi âm, ghi hình trái phép tại phiên tòa bị phạt đến 15 triệu đồng
Ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có hiệu lực từ 01/9/2022.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, của tổ chức đến 80 triệu đồng.
Đáng chú ý, việc ghi âm, ghi hình của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, thì bị phạt tiền từ 7-15 triệu đồng.
Pháp lệnh quy định rõ người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án Nhân dân (TAND) (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; Chánh án TAND cấp huyện; Chánh tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh; Chánh án Tòa án quân sự khu vực; Chánh án TAND cấp tỉnh; Chánh tòa chuyên trách TAND cấp cao; Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương); các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Công an Nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư (những chức danh trong các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, điều tra hoặc được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra); Chủ tịch UBND các cấp.
5. Mức phí xác thực thông tin công dân từ 17/9-31/12/2022
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 48/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư.
Cụ thể, tại Thông tư 48/2022/TT-BTC quy định về mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin được quy định như sau:
- Kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, áp dụng mức thu bằng 50% mức phí quy định tại Mục I Phụ lục phí ban hành kèm theo Thông tư 48/2022/TT-BTC.
- Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 trở đi, áp dụng mức thu theo mức phí quy định tại Mục I Phụ lục phí ban hành kèm theo Thông tư 48/2022/TT-BTC.
- Theo đó, mức phí xác thực thông tin thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy theo Mục I Phụ lục phí ban hành kèm theo Thông tư 48/2022/TT-BTC là 1.000 đồng.
Như vậy, kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2022, áp dụng mức thu phí khi xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy là 500 đồng.
Thông tư 48/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 17/9/2022.
Đông Hà