Banner chính
Thứ Tư, 02/07/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tìm hiểu về tiêu chuẩn khí thải “Xanh”

Chủ Nhật, 22/06/2025

Theo Quyết định 19/2024/QĐ-TTg, Chính phủ đã quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải với xe mô tô, gắn máy nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp, tương ứng các mức 1, 2, 3, 4. 

Theo quy định, Bộ Xây dựng là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức việc kiểm tra, chứng nhận phương tiện mô tô, gắn máy đáp ứng mức quy chuẩn khí thải quy định. 

Hiện, lộ trình đề xuất áp dụng quy chuẩn khí thải, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chưa phải là lộ trình chính thức. Được biết, các cơ quan liên quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục họp để thống nhất lộ trình đề xuất áp dụng.

Quy chuẩn này quy định giới hạn tối đa cho phép ở các mức của các thông số: Carbon monoxit (CO), Hydrocarbon (HC) đối với khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.

Về các Mức tiêu chuẩn, đây có thể xem là các cấp độ tiêu chuẩn “xanh”, mức càng cao càng thân thiện với môi trường. Cụ thể như sau:

Mức 1 áp dụng cho những chiếc xe đã sử dụng lâu năm, cụ thể là xe mô tô sản xuất trước năm 2008 và xe gắn máy sản xuất trước năm 2016. Đây là nhóm phương tiện có công nghệ động cơ cũ, thường thải ra nhiều khí độc hơn. 

Theo tiêu chuẩn này, lượng khí Cacbon Monoxit (CO) không được vượt quá 4,5% trong tổng thể tích khí xả. Với Hydrocarbon (HC), loại khí gây hại cho sức khỏe, xe động cơ 4 kỳ được phép tối đa 1.500 phần triệu (ppm), còn xe 2 kỳ được nới lỏng hơn, ở mức 10.000 ppm. 

Mức 2 nhắm tới các dòng xe ra đời trong khoảng 2008-2016 (đối với mô tô) và từ năm 2017 đến hết tháng 06/2027 (đối với xe gắn máy). Đây là nhóm xe đã sử dụng từ 7 đến 15 năm. Dù công nghệ có phần cải tiến hơn so với xe cũ, nhưng mức phát thải vẫn còn cao nếu so với tiêu chuẩn hiện đại. 

Ở mức này, giới hạn khí CO vẫn giữ nguyên là 4,5%, nhưng khí HC đã bị siết lại: xe 4 kỳ tối đa 1.200 ppm và xe 2 kỳ là 7.800 ppm. 

Mức 3 áp dụng cho xe mô tô sản xuất từ năm 2017 đến hết ngày 30/6/2026. Đây là nhóm phương tiện có công nghệ tương đối mới, chiếm một phần lớn lượng xe đang lưu hành tại đô thị hiện nay. 

Ở mức này, các giới hạn khí thải bắt đầu được siết chặt đáng kể: CO chỉ còn tối đa 3,5%, HC giảm xuống còn 1.100 ppm đối với xe 4 kỳ. Với xe 2 kỳ - vốn hiếm gặp hơn - mức tối đa HC cũng chỉ còn 7.000 ppm. Đây là tiêu chuẩn trung gian, chuẩn bị bước lên các mức khí thải cao hơn trong tương lai.

Mức 4 là tiêu chuẩn khí thải cao nhất trong dự thảo, dành cho xe mô tô sản xuất từ ngày 1/7/2026 trở đi và xe gắn máy từ 01/7/2027 trở về sau. Đây sẽ là yêu cầu bắt buộc cho tất cả xe mới bán ra thị trường. 

Theo đó, xe phải đảm bảo lượng CO không vượt quá 2%, gần như chỉ bằng một nửa so với các mức thấp hơn. Khí HC cũng bị hạn chế tối đa: chỉ 1.000 ppm với xe 4 kỳ và 7.000 ppm với xe 2 kỳ. Mức này thể hiện rõ nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và tiến tới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế như Euro 3 - Euro 4.

Trước khi dự thảo lần này được công bố, thực tế cũng đã có quy định về tiêu chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam, dựa theo tiêu chuẩn EURO. Cụ thể, là áp dụng tiêu chuẩn EURO 2 đã được đưa ra áp dụng từ năm 2007; từ 01/01/2017 là áp dụng EURO 3 cho xe sản xuất mới. 

Theo ước tính, lượng xe máy sản xuất trước năm 2009 tại Hà Nội là hơn 2 triệu chiếc, Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 3 triệu chiếc, đây là nhóm có nguy cơ ô nhiễm lớn nhất. Khi quy định về khí thải đi vào thực tế, nhóm xe này phải đáp ứng tiêu chuẩn Mức 1 mới được phép lưu hành trên đường phố.

 Đông Hà

Các tin khác