Việc thiếu vitamin, khoáng chất không mang lại hậu quả nghiêm trọng song nó làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi, dễ mắc các chứng bệnh lây lan hay bệnh thời tiết… và giảm các chức năng hoạt động trong cơ thể. Do đó, việc quan tâm chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện để cân bằng vitamin và khoáng chất là hết sức quan trọng và cần thiết.
1. Diễn biến âm thầm
Trong cơ thể mỗi người, vitamin và khoáng chất chiếm một tỉ lệ thấp. Tuy nhiên, đây lại là những chất rất quan trọng trong hoạt động sống của con người. Thiếu những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh khác nhau, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng. Vitamin bao gồm các loại như: A, B, C, D, E, U… và được phân chia thành hai nhóm chính: tan trong nước ( B, C…) và tan trong mỡ ( A, D, E...). Các loại chất khoáng có thể kể đến như sắt, kẽm, đồng, vàng, canxi, magie, natri, kali, chlor, phosphat, sulphat… chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể. Với người nặng khoảng 50kg thì chất khoáng chiếm khoảng 2kg. Vì vậy, mỗi ngày cơ thể cần một lượng khoáng chất tối thiểu để đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể.
Phần lớn các vitamin hoạt động như một phức hợp hoạt hóa men, tham gia vào quá trình biến đổi dự trữ năng lượng trong cơ thể. Một số khác ảnh hưởng tới quá trình oxy hóa. Nhiều loại có tác dụng cấu tạo nên hoóc-môn tham gia vào quá trình tăng trưởng và khoáng hóa xương, hoạt động nhân lên của tế bào, tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể, tổng hợp các chất trung gian của hệ thần kinh, đào thải, trung hòa các chất độc, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Mỗi loại vitamin có tác dụng khác nhau, vitamin A giúp sáng mắt, D chống loãng xương… vitamin E làm đẹp cho tóc da.
Hiện nay, chưa có những thống kê cụ thể về tỉ lệ thiếu vitamin và khoáng chất ở người cao tuổi. Tuy nhiên, việc thiếu vitamin và khoáng chất ở người cao tuổi xảy ra khá phổ biến, phần lớn là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Chế độ ăn của người già thường không có chất xơ nên gây thiếu các vitamin B9, C. Nhiều người cao tuổi còn có thói quen ăn chay (không dùng thực phẩm nguồn gốc động vật) rất dễ gây thiếu hai vitamin B12 và D. Việc thiếu vitamin ở người cao tuổi còn xảy ra do quá trình đồng hóa chất này bị rối loạn. Các bệnh đường ruột mạn tính cũng làm giảm hoặc mất khả năng hấp thu một số vitamin. Do đó, những người mắc căn bệnh này thì nhu cầu vitamin sẽ cao hơn mức bình thường. Thói quen ăn chay rất dễ gây thiếu hai vitamin B12 và D.
Tuy nhiên, lẽ thường không mấy ai đi khám về bệnh thiếu vitamin và khoáng chất bởi nó rất khó nhận biết. Mặt khác, cũng chưa có các xét nghiệm cụ thể để xác định bệnh nhân có thiếu vitamin hay không. Mọi người chỉ phát hiện ra mình thiếu vitamin khi đi khám các loại bệnh khác.
2. Thiếu vitamin có nguy hiểm?
Vậy làm thế nào nhận biết người cao tuổi đang có nguy cơ bị thiếu vitamin và khoáng chất để bổ sung kịp thời, tránh đến khi gây ra hậu quả nặng mới đi khám. Các loại vitamin đều có tác dụng khác nhau nên các biểu hiện của sự thiếu hụt vitamin trong cơ thể cũng không giống nhau. Thiếu vitamin A có một số biểu hiện như quáng gà, khô mắt, đục thủy tinh thể, có thể gây mù mắt do mắt bị khô. Răng yếu mau hỏng, da khô có vảy, tóc khô giòn, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, xương chậm phát triển. Dấu hiệu của thiếu vitamin K là máu khó đông, làm cho vết thương chảy máu liên tục. Khi cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, mất cảm giác, rối loạn tâm thần, kém tập trung, đầu ngón tay tê dại, nhịp tim nhanh, sưng phù cơ thể… thì điều đó chứng tỏ đang bị thiếu vitamin B1. Với việc cơ thể mệt mỏi, chậm lành vết thương, đục thủy tinh thể, mắt cay, kém chịu đựng với ánh sáng mạnh, lưỡi đau, môi nứt nẻ, da khô, tóc dễ gãy, móng tay, móng chân giòn… sẽ cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin B2.
Thiếu vitamin B3 (PP, niacin) làm cho cơ thể giảm sinh lực, mất ngủ, tinh thần căng thẳng, lo âu, chảy máu ở nướu răng, viêm ngứa trên da. Còn việc thiếu vitamin B6 khiến cho tổn thương dây thần kinh ngoại biên, có khi gây cơn co giật, đồng thời làm tổn thương da, buồn nôn, nôn, chóng mặt, thiếu máu, giảm sinh lực, ăn không ngon, sút cântinh thần dễ bị kích động, cơ co rút và yếu, tê đầu ngón tay, da khô, thiếu hồng cầu. Thiếu vitamin C có thể dẫn đến xuất huyết dưới da và ở lợi răng, sưng và chảy máu nướu, giảm cân, mệt mỏi, đau nhức khớp. Ngoài ra, những dấu hiệu của thiếu chất khoáng có thể kể đến như: thiếu canxi gây co giật tay chân, thiếu kali gây vọp bẻ, rối loạn nhịp tim...
3. Cần có chế độ ăn hợp lý
Để phòng thiếu vitamin và khoáng chất ở người cao tuổi thì cần có một chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng để phòng tránh bệnh này. Mỗi ngày, người bệnh có thể ăn khoảng 300g rau xanh, 200 - 300g hoa quả tươi, sử dụng các loại quả bù được kali như cam, chuối. Ăn các loại hoa quả giải khát, chống say nắng như: dưa hấu, bưởi và tránh những hoa quả chứa hàm lượng đường cao như mít, vải, dứa chín.
Về thịt thì nên ăn các loại dễ tiêu như cá, ăn thịt bỏ da, hạn chế nội tạng của động vật để tránh tăng mỡ máu. Lượng đạm cũng không nên ăn quá nhiều, tối đa 200g/ngày. Với người cao tuổi ăn uống kém nên chú ý bổ sung thường xuyên chế phẩm polivitamin, có kèm theo một số nguyên tố khoáng đa lượng và vi lượng (selen, Mn, Cu, Zn, S, Br...). Còn về bữa ăn của người già nên chia làm nhiều bữa nhỏ, 3 - 5 bữa/ ngày. Ngoài ra, có thể uống thêm vitamin đa sinh tố mỗi ngày 1 viên để bổ sung vitamim và khoáng chất. Đối với người cao tuổi bị bệnh nặng kéo dài, sức khỏe quá suy giảm, cần bổ sung các vitamin nào, liều lượng ra sao và uống trong bao lâu... thì cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định.
4. Lời khuyên của thầy thuốc
Việc bổ sung vitamin là hết sức cần thiết cho cơ thể người cao tuổi nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ tránh tình trạng thừa vitamin xảy ra, sẽ dẫn đến các hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, khi sử dụng vitamin cho cơ thể cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như: xác định nguyên nhân rõ ràng, đúng liều lượng, lứa tuổi và trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, thời gian bổ sung vitamin phải hợp lý, tránh tương tác với các loại thuốc khác và sử dụng vitamin theo chỉ định của bác sĩ.
Hà Phượng (Theo yteninhbinh)