Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Kỹ thuật nuôi ốc hương thương phẩm

Thứ Hai, 06/09/2021
Kỹ thuật nuôi ốc hương có khó hay không? Làm sao để có thể chăm sóc để tránh thiệt hại, bà con có thể tham khảo mô hình nuôi ốc sau:

Chuẩn bị ao nuôi: Tháo cạn, vét hết lớp cát bẩn trong ao nuôi hoặc dùng ống nước có áp suất mạnh để rửa lớp cát; Bón vôi Ca(OH)2 : Liều lượng từ 300-400 kg/ha và phơi đáy ao từ 5-7 ngày; Đổ lớp cát (chú ý là cát không được mịn quá) dày từ 20-30 cm lên trên bề mặt sao sau đó san phẳng đáy ao; Rào lưới ruồi xung quanh bờ ao, chiều cao lưới đạt từ 40-60 cm so với mặt nước nuôi, lưới hơi nghiêng về phía trong ao để ngăn ốc bò lên bờ, kích thước mắt lưới 2a = 1,5mm. Cấp nước vào ao thông qua túi lọc để ngăn địch hại của ốc vào trong ao nuôi với độ sâu đạt từ 1,2-1,5m. Lắp dàn quạt nước trong ao, số lượng dàn quạt từ 2-4 dàn tùy vào mật độ nuôi (mỗi dàn quạt từ 15-20 cánh quạt). Kiểm tra các yếu tố môi trường nước, trường hợp ao đất mới; khi xây dựng ao xong, đổ lớp cát lên bề mặt ao, san phẳng và tiến hành các bước chuẩn bị giống như trên.

Trường hợp ao cát lót bạt mới: Khi xây dựng ao xong, lót bạt xung quanh bờ ao và đáy ao nuôi, đổ lớp cát dày 20-30cm lên bề mặt ao, san phẳng và tiến hành các bước chuẩn bị ao giống như trên.

Về con giống nên chọn giống ở những cơ sở sản xuất có uy tín, kích cỡ giống nên thả tối thiểu đạt 20.000 con/kg. Đặt vào thùng xốp có nắp đậy kín, hạ nhiệt độ từ 25-26oC. Giai đoạn nhỏ từ 1-2 tháng: Nuôi ở mật độ từ 500-700 con/m2 (tính theo diện tích vây lưới). Sau 2 tháng nuôi san thưa với mật độ 200-300 con/m2 (tính theo diện tích vây lưới). Giống được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Sau đó tiến hành rải ốc đều khắp ao.

Thức ăn ưa thích của ốc hương là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, các loại cá, các loại giáp xác bao gồm cua, ghẹ, tôm…thức ăn cho ốc phải tươi, không được dùng loại thức ăn được bảo quản bằng hóa chất.

Cho ốc ăn với lượng như sau: Tháng thứ 1: 15-20% trọng lượng ốc nuôi; Tháng thứ 2: 10-15% khối lượng ốc nuôi; Tháng thứ 3: 8-10% khối lượng ốc nuôi; Tháng thứ 4 về sau: 5-7% khối lượng ốc nuôi. Số lần cho ăn trong ngày: 1-2 lần/ngày. Thức ăn của ốc: Các loại cua, ghẹ đập vỡ vỡ vỏ sau đó cắt nhỏ phù hợp với kích cỡ ốc nuôi. Thức ăn có thể cắt bằng máy hoặc bằng tay sau đó được rải đều trong ao.

Sau khi cho ăn khoảng 2 giờ, lặn xuống đáy kiểm tra để xác định mức độ tiêu thụ thức ăn của ốc. Nếu lặn kiểm tra thấy hết thức ăn trong ao thì ngày hôm sau tăng 5-10% so với lượng thức ăn ngày trước đó, nếu thức ăn còn 5-10% thì không tăng và nếu còn hơn 15 % thì giảm đi 10-20 % lượng thức ăn cho ngày sau.

Hàng ngày quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, không để bị thừa, định kỳ cua, ghẹ, sò, hầu… còn sót lại của ngày hôm trước tránh ô nhiễm nước ao nuôi. Thường xuyên thay nước, mỗi lần thay 30-70% lượng nước trong ao. Vào các thời điểm không thay nước được, môi trường ao nuôi diễn biến xấu, thực hiện đồng thời các biện pháp sau: Giảm lượng thức ăn; bơm cấp thêm nước mới; tăng cường quạt nước; sử dụng vôi thủy sản, chế phẩm sinh học… để cải thiện môi trường ao nuôi. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, vôi, các khoáng chất nhằm phân hủy các chất lắng tụ, chất bẩn trên bề mặt ao nuôi và tăng độ kiềm nước ao nuôi.

Hồng Hà (Vusta.vn)

Các tin khác