Banner chính
Thứ Tư, 05/02/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Mô hình nuôi Lươn không bùn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Thứ Sáu, 10/01/2025

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Tài, thôn Đông Thịnh, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhận thấy nguồn nhu cầu của thị trường đối với thịt lươn ngày càng tăng, trong khi nguồn lươn tự nhiên hạn chế, anh Tài đã vào tận Cần Thơ để học tập kinh nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn. Trở về địa phương, ban đầu anh xây 6 bể nuôi, sau đó tăng lên 15 bể nuôi, mỗi bể diện tích khoảng 7m2, cao khoảng 70cm có đục lỗ để tiêu thoát nước và lọc chất thải. Anh Tài chia sẻ: Bể nuôi lươn là bể xi măng kiên cố trong nhà có mái che bằng tôn và lưới chống nóng. Bể có hình chữ nhật chiều rộng 1,0-2m và chiều dài 2-5m, độ sâu tối thiểu từ 0,8-1,0m. Thành và đáy bể cần làm bằng các vật liệu trơn láng. Mặt đáy cần bằng phẳng và hơi nghiêng về phía ống thoát nước giúp cho việc quản lý thức ăn, vệ sinh, dọn dẹp bể nuôi thuận tiện, hạn chế dịch bệnh. Toàn bộ hệ thống nuôi được che bởi mái che nhằm hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm nhiệt độ nước tăng cao ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lươn. Dùng những búi sợi ni lông trong bể sẽ đóng vai trò như tổ của lươn.Ngoài bể nuôi lươn thương phẩm, nên có ba bể: Bể lắng, bể lọc và bể xử lý chất thải.

Nuôi lươn không bùn quan trọng nhất là vệ sinh nguồn nước, mỗi bể nuôi cần lắp đặt hệ thống xử lý nước, mỗi ngày thay nước 1 lần. Khi thay nước cho bể nuôi cần giũ giá thể đảm bảo trôi hết chất cặn bẩn, đánh sạch lòng bể rồi mới xả nước mới vào. Nếu để bể nuôi bị nhiễm bẩn thì lươn rất dễ mắc bệnh nấm, bị chết. Thức ăn của lươn giống là trùn chỉ (một giống giun nước thường dùng để nuôi cá vàng), lươn trưởng thành cho ăn cám trộn ốc bươu vàng. Vào mùa đông, chỉ cần cho lươn cho ăn 1 ngày 1 bữa, mực nước trong bể nuôi cần cao hơn so với thời điểm nuôi mùa hè, dùng bạt phủ kín khu vực nuôi để giảm thiệt hại giúp lươn được ấm. Thời gian nuôi lươn không bùn thường từ tháng 3 tới tháng 9 dương lịch sẽ cho thu hoạch. Ưu điểm của nuôi lươn không bùn là tiết kiệm diện tích, ít tốn công chăm sóc, lươn ít nhiễm bệnh, chất lượng thịt lươn đảm bảo, dễ dàng tiêu thụ.

Để chủ động nguồn giống, anh Tài đã tìm tòi thực hiện tự nhân giống lươn thành công. Bình quân một bể nuôi lươn không bùn gia đình anh xuất bán khoảng 3 tạ lươn, thu lãi hàng chục triệu đồng/bể. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh cung ứng ra thị trường từ 4-5 tấn lươn thương phẩm cho Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, giá bán khoảng 160.000-200.000đ/kg và khoảng 4 vạn lươn giống, giá bán từ 5.000đ-10.000đ/con. Sau khi trừ chi phí, thu về trên 300 triệu đồng/năm.

Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn huyện và 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội, anh Tài tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Anh dự kiến đầu tư kho lạnh để bảo quản các sản phẩm lươn sơ chế, đóng gói, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Tài đã tạo động lực giúp cho nhiều nông dân tại địa phương phát huy tinh thần sáng tạo, vươn lên trong sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiều năm liền anh Trần Văn Tài đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh./.

Huy Hoàng (Hội Nông dân tỉnh)

Các tin khác