Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Món ăn thanh nhiệt trị đau đầu mùa nóng

Thứ Hai, 27/05/2019
Khi thời tiết nắng nóng, nhiều người hay bị đau đầu vùng đỉnh, chóng mặt, nóng nảy phiền táo, miệng khô khát mặt đỏ, có khi tăng huyết áp. Đây thuộc chứng âm hoả vượng đầu thống trong Y học cổ truyền.

Nguyên nhân chủ yếu do âm huyết hư dương hỏa thịnh, liên quan chế độ ăn uống không phù hợp, lạm dụng thức ăn cay nóng, thời tiết nắng nóng sinh bệnh. Dưới đây là một số thực phẩm bổ mát thanh nhiệt dưỡng âm chữa đau đầu chóng mặt.

Nước mía: vị ngọt mát. Nước mía vắt chanh uống ngày 2-3 ly. Chữa nắng nóng hay đau đầu chóng mặt mệt mỏi, cảm sốt, ói khan và các chứng âm huyết hư hỏa vượng nóng nảy bứt rứt khó ngủ dùng đều tốt.

Canh chua giá đỗ rất tốt cho người mệt mỏi đau đầu, cảm sốt, đau họng, tiêu chảy do nhiệt.

Dưa hấu: vị ngọt tính mát. Ăn tươi hoặc ép nước uống. Chữa nội nhiệt đau đầu chóng mặt, đái tháo đường, tăng huyết áp, ngoại cảm, nội thương nóng sốt dùng đều tốt.

Actisô: vị ngọt tính mát. Bông tươi phối hợp thịt vịt, thịt gia cầm nấu canh ăn. Chữa chứng âm hư đau đầu chóng mặt, nổi mụn nhọt, đau khớp, đau họng, đau tức hông sườn và các chứng đau do huyết nhiệt ăn đều tốt.

Đậu đen: vị ngọt tính mát. Nấu cháo, nấu chè, hầm ăn. Chữa chứng âm hư hỏa vượng đau đầu chóng mặt, ù tai, khó ngủ, nóng sốt nhức mỏi đều tốt.

Nước dừa: vị ngọt tính bình không độc. Nước dừa tươi cho ít  muối, chanh uống. Chữa nắng nóng nhiều mồ hôi, mất nước, tăng huyết áp, đau đỉnh đầu, nóng bứt rứt khó ngủ.

Giá đậu xanh: vị ngọt mát. Xay giá đậu ép nước uống hoặc ăn sống, nấu canh chua với cá, ngao sò… Chữa chứng đau đầu chóng mặt, mệt mỏi, cảm sốt, ho đau họng, đau lưng, đau đầu, tiêu chảy do nhiệt dùng đều tốt.

Rau má: vị hơi đắng, tính mát. Rau má phối hợp thịt vịt hoặc cá nấu canh ăn hoặc xay nước uống… Chữa đau đầu chóng mặt, đau họng, ho khan, mụn nhọt, cảm nóng sốt dùng đều tốt.

Đậu xanh: vị ngọt mát. Nấu cháo, nấu chè ăn. Chữa ngoại cảm nội thương nóng sốt đau đầu chóng mặt, mệt mỏi, mụn nhọt miệng khô khát ăn đều tốt.

Mướp đắng: vị ngọt mát. Nấu canh hoặc xào ăn. Chữa đau đầu chóng mặt, đái tháo đường, tăng huyết áp, mụn nhọt và các chứng nội nhiệt.

Bí đao: vị ngọt mát. Bí đao nấu canh thịt vịt, sườn heo hoặc luộc, xào ăn. Chữa các chứng đau đầu chóng mặt, nắng nóng mệt mỏi da khô nám, tâm nóng khó ngủ, các chứng liên quan đến âm hư nội nhiệt ăn đều tốt.

Lá giang: vị chua mát giải nhiệt. Lá giang nấu canh chua cá hoặc thịt gà, ngao, sò, hến đều hợp. Chữa chứng nội nhiệt khô khát, đau đầu, cảm cúm, nóng sốt, mệt mỏi dùng đều tốt.

Quả cam: vị ngọt, tính hàn. Cam tươi hoặc ép nước uống. Chữa nắng nóng mệt mỏi, miệng khô khát như có lửa đốt, tâm phiền khó ngủ dùng đều tốt.

Sắn dây: vị cay ngọt, tính mát. Bột sắn loại tốt pha nước uống. Chữa đau đầu chóng mặt miệng khô khát, say nắng mệt mỏi, cảm sốt đau về chiều.

Bí đỏ: vị ngọt, tính bình. Bí đỏ phối hợp thịt vịt, thịt lợn nấu canh ăn. Chữa người gầy yếu, đau đầu chóng mặt, miệng khô, mắt yếu, mệt mỏi dùng đều tốt.

Rau càng cua: vị cay mát. Rau càng cua ăn tươi, ăn lẩu, bóp dấm, xay nước uống đều hợp. Chữa cảm sốt đau đầu chóng mặt, chứng mụn nhọt, đau họng, nhức mỏi người do âm huyết hư hỏa thịnh dùng đều tốt.

Thanh Mai (Theo sức khỏe và đời sống)

Các tin khác