Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về hô hấp ở trẻ em tiến triển mạnh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách chăm sóc, phát hiện và điều trị sớm cho con em mình.
Chảy dịch mũi là một trong những biểu hiện sớm của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em. Các bác sĩ chuyên ngành Tai - Mũi - Họng, Nhi khoa, khuyên bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nên nhìn, quan sát dịch mũi và mô tả cho bác sĩ, vì các thông tin này sẽ giúp các bác sĩ định hướng chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Ảnh minh hoạ
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, chuyên ngành Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi thấy con chảy mũi dịch trong, cho thấy bệnh có thể mới xuất hiện dưới 1 tuần, nguyên nhân đa phần là do virus hoặc nhiễm lạnh.
Khi thấy con chảy mũi vàng xanh, là bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc bệnh đã diễn biến trên 1 tuần và bị bội nhiễm. Nếu con chảy mũi nâu đỏ lẫn máu, mùi thối, một bên, coi chừng dị vật mũi.
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, việc phát hiện dấu hiệu chảy mũi đôi khi cũng khó đối với ông bà, bố mẹ vì nếu dịch mũi chảy "thò lò" ra cửa mũi trước, bố mẹ rất dễ phát hiện nên trong trường hợp này trẻ ít khi bị các biến chứng của viêm mũi.
Thông thường, người chăm sóc trẻ không phát hiện được khi nước mũi chảy ra phía sau rồi rơi xuống họng. Những trường hợp này xảy ra khi hốc mũi bị phù nề nhiều cản trở chảy ra trước, hoặc khi bị viêm hệ thống xoang sau. Lúc này, trẻ có cảm giác vướng họng hay phải ho, khạc đờm hoặc buồn nôn hay nôn.
Nếu nghi ngờ có thể lấy tay giữ chặt miệng trẻ trong 10 giây, nghe tiếng hít vào của trẻ có tiếng dịch mũi.
Khi trẻ có các dấu hiệu sớm của bệnh viêm đường hô hấp trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời. Tránh tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ dùng hoặc làm theo các hướng dẫn trên mạng có thể không khỏi, thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phạm Đào (Nguồn giadinh.net.vn)